11/04/2025 - 09:47

Ông Macron khó trở thành lãnh đạo châu Âu 

Chỉ còn 2 năm trong nhiệm kỳ tổng thống để hiện thực hóa tầm nhìn của Pháp về châu Âu, giới quan sát cho rằng ông Emmanuel Macron đang đẩy mạnh nỗ lực tăng cường sức ảnh hưởng địa chính trị nhằm củng cố vai trò lãnh đạo quốc gia hạt nhân duy nhất của Liên minh châu Âu (EU) giữa thời điểm quan trọng. Tuy nhiên, mọi việc sẽ không dễ dàng.

Tổng thống Pháp Macron (trái) và Tổng thống Mỹ Trump trong cuộc họp báo chung hồi tháng 2. Ảnh: AP

Thay đổi bộ mặt lãnh đạo châu Âu

Trong nhiều năm, Ðức được coi là “ngọn hải đăng” về sức mạnh chính trị lẫn kinh tế ở châu Âu với người đứng đầu là Thủ tướng Angela Merkel đã chèo chống giúp Berlin và khu vực vượt qua hàng loạt cuộc khủng hoảng bao gồm “cú sốc” tài chính toàn cầu, khủng hoảng nợ Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và vấn đề nhập cư. Năm 2021, bà Merkel rút khỏi chính trường sau 16 năm cầm quyền và sự bất ổn kéo dài của chính phủ trung tả kế nhiệm đã dần làm suy giảm vai trò “dẫn dắt thế giới tự do” của Ðức tại Brussels.

Hiện Ðức không có chính phủ sau cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 2. Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) do ông Friedrich Merz làm thủ lĩnh và đảng Dân chủ Xã hội Ðức (SPD) vẫn đang đàm phán để lập chính phủ liên minh. Trái với bất ổn ở Berlin, Tổng thống Macron vốn quen với đấu đá trên chính trường Pháp đã định vị mình như đại diện duy nhất của châu Âu trong bối cảnh khu vực đang đối mặt nhiều sức ép từ học thuyết “Nước Mỹ trên hết” của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Theo chuyên gia Gesine Weber, châu Âu đã trở nên “rất Pháp” trong 5 năm qua khi Tổng thống Macron nỗ lực thúc đẩy lợi ích của Brussels theo lợi ích của Paris và ngược lại. Ðơn cử như lĩnh vực an ninh, các nhà lãnh đạo châu Âu đang xem xét tăng chi tiêu quân sự và con đường tự chủ chiến lược như Pháp đã nhiều lần đề xuất. Những tuần gần đây, Paris đưa trở lại bàn đàm phán vấn đề mở rộng lá chắn hạt nhân của Pháp sang các nước châu Âu nhằm đối phó nguy cơ Mỹ giảm cam kết an ninh đối với lục địa già. Tổng thống Macron cũng sẵn sàng trở thành người đại diện và thúc đẩy lợi ích của châu Âu trong tiến trình giải quyết xung đột Nga - Ukraine và gần đây là cuộc chiến thuế quan với Nhà Trắng.

Những câu hỏi về “lãnh đạo duy nhất” của châu Âu

Dựa vào môi trường địa chính trị hiện có, nhà nghiên cứu Jacob Ross về quan hệ Pháp - Ðức tại Hội đồng quan hệ đối ngoại Ðức (DGAP) cho biết Paris đang có vị thế rất tốt để dẫn dắt châu Âu vượt qua giai đoạn chia rẽ. Ít nhất trong cuộc chiến thuế quan với Mỹ, mối quan hệ trước đây với Tổng thống Trump có thể giúp ông Macron xây dựng vai trò người đối thoại chính của châu Âu. Trong đó, thông điệp được gửi đi rất rõ ràng, đó là tìm kiếm vị thế lớn hơn của châu Âu trên chính trường quốc tế nhưng theo một cách độc lập chứ không phải thông qua góc nhìn lấy Washington làm trung tâm.

Ðối với các tham vọng của người đứng đầu Ðiện Élysée, giới chuyên gia cho rằng chỉ quan điểm tự chủ không đủ để Pháp khẳng định vị thế lãnh đạo duy nhất của châu Âu. Trước tiên, nước này đang ở trong tình thế rất khó khăn khi nợ công tiếp tục tăng với dự báo chiếm 120% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào 2027. Tình hình trên khiến Paris khó lòng xoay xở trong nhiệm vụ mở rộng ngân sách quốc gia, bao gồm ngân sách quốc phòng. Ngoài ra, việc Mỹ vẫn là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) và chưa có dấu hiệu rút quân khỏi châu Âu khiến ý định mở rộng lá chắn hạt nhân của Pháp trở thành chủ đề cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Một rào cản khác đối với tầm nhìn ủng hộ châu Âu của Tổng thống Macron là sự trỗi dậy của đối thủ từng theo chủ nghĩa hoài nghi EU Marine Le Pen, người đang tìm cách biến bản án cấm ra tranh cử vào năm 2027 thành động lực chính trị. Nếu phe cực hữu lãnh đạo trong tương lai, khả năng toàn bộ kế hoạch của ông Macron sẽ bị hủy bỏ.

Tóm lại, ở giai đoạn căng thẳng như bây giờ, các nhà phân tích cho rằng rất ít khả năng xuất hiện một nhân vật lãnh đạo châu Âu nhận được sự ủng hộ rộng rãi trên khắp lục địa và trường quốc tế giống như Thủ tướng Ðức Merkel. Trong bối cảnh quan hệ Mỹ và Tây Âu xấu đi, xung đột với Nga ở phía Ðông vẫn tiếp diễn và sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy cùng các đảng cực hữu, người Pháp thay vào đó cần duy trì quan hệ mạnh mẽ với Ðức. Trong tương lai gần, hai nước có thể xem xét tăng cường quan hệ với một đồng minh hùng mạnh khác bên kia eo biển Manche, củng cố liên minh truyền thống Anh - Pháp - Ðức như lựa chọn tốt nhất cho châu Âu.

MAI QUYÊN (Theo DW, Euro News)

 

Chia sẻ bài viết