Sau khi chính quyền quân sự Ai Cập dỡ lệnh cấm hoạt động chính trị, tổ chức Huynh đệ Hồi giáo ở nước này ngày 15-2 thông báo sẽ thành lập một chính đảng để tham gia cuộc bầu cử quốc hội, song cho biết sẽ không chỉ định ứng cử viên tranh cử tổng thống. Tuyên bố này được cho là nhằm khẳng định rằng tổ chức Huynh đệ Hồi giáo không tìm cách nắm quyền lực mà chỉ muốn là một nhân tố chính trong nền chính trị mới ở nước này. Theo giải thích của Huynh đệ Hồi giáo, đây là thời điểm cho sự đoàn kết, thống nhất và thỏa hiệp quốc gia, đồng thời là lúc các đảng phái chính trị cần chỉnh đốn lại mình.
Các nhà phân tích cho rằng tuyên bố của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo là một bước đi thận trọng trong bối cảnh dư luận quốc tế lo ngại khả năng “Hồi giáo hóa” chính trường Ai Cập, quốc gia đông dân nhất (hơn 80 triệu người) trong thế giới A-rập. Tổ chức này được thành lập từ những năm 1920, bị cấm hoạt động từ năm 1954 và tuyên bố không sử dụng bạo lực hồi những năm 1970 để được phép tham gia tranh cử quốc hội với tư cách ứng viên độc lập. Năm 2005, các ứng viên độc lập của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo đã giành tới 20% số ghế trong Quốc hội Ai Cập, nhưng đã hoàn toàn thất bại trong cuộc bầu cử nhiều tranh cãi hồi tháng 11 năm ngoái mà dư luận cho là do phe cánh của Tổng thống vừa bị lật đổ Hosni Mubarak gian lận.
Cương lĩnh hành động của Huynh đệ Hồi giáo là ủng hộ áp dụng luật Hồi giáo chính thống Shariah và kêu gọi thành lập một nhà nước Hồi giáo đông dân nhất trong thế giới A-rập. Tuy vậy, phần lớn dư luận ở Ai Cập đều tin rằng những luật lệ Hồi giáo mà tổ chức này muốn áp dụng sẽ ít cực đoan hơn so với phong trào Taliban ở Afghanistan, đồng thời cũng ít nghiêm khắc và thuần khiết hơn so với các trường học Hồi giáo ở Arabie Séoudite, một đồng minh của Mỹ ở Trung Đông. Và mặc dù vẫn ủng hộ phong trào vũ trang Hamas bị phương Tây coi là “tổ chức khủng bố” ở Palestine và luôn tỏ thái độ chống Israel, nhưng các thủ lĩnh Huynh đệ Hồi giáo nhấn mạnh tổ chức này không tìm cách phá hoại hiệp ước hòa bình được ký kết năm 1979 giữa Cairo và Tel Aviv.
Huynh đệ Hồi giáo dù có kinh nghiệm tổ chức tốt nhất nhưng thật ra cũng không phải là phong trào chủ xướng cuộc biểu tình bạo lực lật đổ chế độ Mubarak, mà chỉ hưởng ứng tham gia do các thủ lĩnh trẻ phát động. Tổng thống Mỹ Barack Obama vì thế đã hạ thấp vai trò và quyền lực của Huynh đệ Hồi giáo trong những ngày nổi loạn vừa qua và tương lai chính trị ở nước này khi cho rằng đây chỉ là một “phe cánh nhỏ” ở Ai Cập. Tuy nhiên, Huynh đệ Hồi giáo đang có một thành viên là một cựu nghị sĩ tham gia ủy ban soạn thảo Hiến pháp gồm 8 người do quân đội chỉ định, điều đó chứng tỏ phong trào này sẽ đóng góp tiếng nói rất quan trọng trong tiến trình xây dựng một trật tự chính trị mới ở Ai Cập.
Cái thế của Huynh đệ Hồi giáo rõ ràng là không nhỏ và tổ chức này cũng đâu có nói trong tương lai sẽ không tranh cử tổng thống. Khi ấy, ai dám chắc Huynh đệ Hồi giáo sẽ không làm nên điều bất ngờ trên bàn cờ chính trị Ai Cập?
KIẾN HÒA (Theo AP, Nytimes)