30/07/2016 - 16:01

Nỗi lòng vận động viên khuyết tật

Tham dự Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2016 diễn ra tại TP Hồ Chí Minh mới đây, đoàn VĐV Cần Thơ thiếu vắng nhiều VĐV từng là trụ cột vì những nguyên nhân ngoài chuyên môn.

VĐV Trương Thị Cẩm Tú khi còn thi đấu cho Cần Thơ tại Giải thể thao người khuyết tật năm 2014. Ảnh: Nguyễn Minh

Sau khi đoạt HCV và phá kỷ lục quốc gia năm 2013, VĐV cử tạ Nguyễn Mạnh Khương được khẳng định là kỳ vọng số một của Cử tạ khuyết tật Cần Thơ ở đấu trường toàn quốc. Tuy nhiên, sau khi giành HCV mức tạ 142 kg ở giải năm 2014, Mạnh Khương biệt tăm. 2 năm qua, Cần Thơ không dự thi môn Cử tạ ở giải thể thao khuyết tật toàn quốc, vì không tìm được người kế thừa Mạnh Khương. Nói về nguyên nhân từ giã thể thao, Mạnh Khương cho biết: "Cử tạ là niềm đam mê và tôi thật sự rất muốn được thi đấu. Tuy nhiên, hiện tôi phải mưu sinh hằng ngày, không thể dành thời gian và tiền bạc đầu tư cho tập luyện. Giữa "cơm áo gạo tiền" và Cử tạ tôi chỉ được chọn một". HLV Nguyển Văn Hoàng, người sát cánh cùng Mạnh Khương từ lúc bắt đầu tập luyện, chia sẻ thêm: "Nhiều lần Ban huấn luyện đề xuất địa phương hỗ trợ cho Mạnh Khương nhưng không có hồi âm".

Tại Giải thể thao khuyết tật toàn quốc 2016, đoàn Cần Thơ cũng không có nữ "Kình ngư sông Hậu" Trương Thị Cẩm Tú. Đây là VĐV thường đóng góp cho Cần Thơ từ 2 đến 3 HCV ở các giải khuyết tật toàn quốc hằng năm, trong hơn 10 năm qua. Cẩm Tú vắng mặt với lý do được báo cáo là vì sức khỏe, nhưng nguyên nhân thật sự không hẳn là vậy. Cẩm Tú kể: "Hằng năm ở các cuộc thi bơi lội, tôi đều thi đấu nội dung sở trường là 400 mét tự do. Tuy nhiên, từ năm 2014, tôi rất khó xử khi HLV đề nghị tôi bỏ cự ly 400 mét tự do và thi đấu các cự ly bơi khác mà tôi chưa từng tập luyện, hoặc không phải sở trường. Nhiều lần, tôi phải quyết liệt cam kết sẽ đoạt HCV thì mới được thi đấu đúng nội dung sở trường. Việc này diễn ra trước lúc thi đấu khiến tôi cảm thấy buồn và thất vọng".

Nữ VĐV hạng thương tật S5 cũng kể lại những chuyện làm cô thấy buồn tủi trong thời gian còn thi đấu. Đó là khi đi tham dự Giải thể thao khuyết tật toàn quốc năm 2015, cô phải vượt hàng trăm km bằng xe gắn máy từ Cần Thơ đến Đồng Nai (đơn vị đăng cai). Cẩm Tú ngậm ngùi: "Rút kinh nghiệm từ mấy lần đi thi đấu trước phải lăn xe đi tìm quán cơm xa khách sạn, tôi đã xin đem theo xe máy để tiện đi lại. Nhưng đến giờ xuất phát thì đoàn cho biết không thể mang xe theo cho nên tôi buộc phải chạy xe máy theo đoàn. Tôi chạy xuyên suốt hơn 8 giờ đồng hồ không ngừng nghỉ, mới đến nơi". Chưa hết, khi vào thi đấu, nhiều lần Ban tổ chức đọc tên đến lượt thi, nhưng Cẩm Tú không có người trong đoàn hỗ trợ đưa đến bục xuất phát, mà phải nhờ sự trợ giúp của các tình nguyện viên ở các đơn vị khác. Còn ở nhà nghỉ, phòng của Cẩm Tú ở trên cao, nên phải tự leo cầu thang. Những điều này khiến cho Cẩm Tú cảm thấy hụt hẫng nên quyết định giải nghệ.

Tại Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc năm nay, đoàn Cần Thơ còn vắng mặt các VĐV Bơi lội, Điền kinh từng mang về HCV như Nguyễn Chí Toàn, Phạm Tấn Đạt, Nguyễn Tiến Đạt, Hoàng Yến... Một vị HLV nhiều năm dẫn đoàn VĐV khuyết tật Cần Thơ cho biết phần lớn các trường hợp giải nghệ của VĐV xuất phát từ lý do bận mưu sinh. Hầu hết các VĐV khuyết tật đều có hoàn cảnh khó khăn, cho nên địa phương nào giúp VĐV giải quyết vấn đề cuộc sống, có chính sách hỗ trợ, khen thưởng sẽ dễ dàng thu hút được nhân tài.

VĐV khuyết tật "giải nghệ" hoặc tìm nơi khác đầu quân không phải là vấn đề mới, khi mà thể thao khuyết tật thành tích cao chưa được các địa phương xem trọng.

Thanh Nguyên

Chia sẻ bài viết