03/02/2015 - 21:45

Nội chiến quyền lực

Chính phủ Úc đang đứng trước khả năng có sự thay đổi lớn khi mà các nhà lập pháp thuộc liên minh cầm quyền mong muốn tổ chức một cuộc bỏ phiếu bầu chọn gương mặt lãnh đạo nhận được sự ủng hộ cao nhất trong nội bộ.

Hãng tin Mỹ AP cho biết giới lập pháp của đảng Tự do đang thúc giục cựu chủ tịch đảng này, Bộ trưởng Truyền thông Malcolm Turnbil và phó chủ tịch đảng hiện nay, nữ Ngoại trưởng Julie Bishop tham gia ứng cử cạnh tranh với vị thủ tướng mới nửa nhiệm kỳ Tony Abbott. Theo hãng tin Anh BBC, Bộ trưởng Dịch vụ Xã hội Scott Morrison có thể nằm trong danh sách bầu bán.

Trong vài tuần qua đã có nhiều lời kêu gọi Thủ tướng Abbott từ chức, nhưng hôm 2-2, ông tuyên bố không từ bỏ vị trí được nhân dân Úc giao phó trong cuộc tổng tuyển cử đưa đất nước chuột túi vượt qua khủng hoảng chính trị năm 2013. Tuy nhiên, ngày 3-2, ông Abbott lại lên tiếng hoan nghênh “việc cần thiết có sự bàn luận sôi nổi” trong giới chính phủ về vấn đề bỏ phiếu xem xét uy tín lãnh đạo đảng. Các nguồn tin phương Tây nhận định vấn đề này có thể được Thủ tướng Abbott đưa ra thảo luận tại cuộc họp nội các trong hai ngày 3 và 4-2.

Uy tín của ông Abbott càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi kênh truyền thông Sky News có trụ sở tại Anh ngày 3-2 nói rằng Thủ tướng Úc đã đề nghị cấp phó của mình, Ngoại trưởng Bishop không tham gia ứng cử vai trò lãnh đạo đảng. Ông Abbott đã không phủ nhận hay thừa nhận thông tin trên. Bà Bishop thì tế nhị tuyên bố sẽ không tiết lộ cuộc đối thoại cá nhân giữa bà với bất kỳ nhà lãnh đạo nào.

Quả thật, uy tín của vị thủ tướng mới trải qua 16 tháng lèo lái đất nước dưới mắt công chúng Úc đang sụt giảm mạnh. Một cuộc thăm dò dư luận được công bố hôm 2-2 cho thấy tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với ông Abbott chỉ còn 30%. Liên minh Tự do và Dân tộc cầm quyền chỉ nhận được 46% cử tri ủng hộ, so với 54% của Công đảng đối lập. Cuối tuần rồi, theo một cuộc thăm dò khác, tỷ lệ tán thành thủ tướng giảm từ 39% xuống còn 34%, trong khi thủ lĩnh Công đảng Bil Shorten nhảy vọt lên mức 50%. Ông Abbott bị nhiều thành viên trong liên minh cầm quyền coi là “nhân tố chính” dẫn đến sự thất bại nặng nề của đảng Tự do trong cuộc bầu cử tại bang Queensland hôm 31-1.

Một trong những nguyên nhân được cho làm uy tín ông Abbott tuột dốc nhanh là hành động phong tước hiệp sĩ đối với Hoàng thân Philip, phu quân của Nữ hoàng Anh Elizabeth đệ nhị. AP đánh giá động thái này đã đụng chạm tới một bộ phận khá đông công dân Úc vốn muốn cắt đứt quan hệ với vương triều Anh và thành lập nền cộng hòa riêng.

Ông Abbott đã sửa chữa sai lầm bằng cách giao nhiệm vụ phong tước cho cơ quan hữu trách và cam kết hủy bỏ một số chính sách không đặng lòng dân để tập trung giải quyết các vấn đề như tạo việc làm, xây dựng đường sá, an ninh quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ.

Xứ chuột túi từng xảy ra cuộc chiến quyền lực trong nội bộ đảng cầm quyền. Thời Công đảng, cựu Thủ tướng Kevin Rudd từng bị bà Julia Gillard “soán ngôi” rồi sao đó ông Rudd tái thắng cử. Sự đấu đá nội bộ đã dẫn đến việc đảng này mất quyền trong cuộc tổng tuyển cử năm 2013. Lịch sử chính trị có nguy cơ tái hiện tại Úc?

ĐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết