Nepal, nước chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 18 Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) diễn ra trong hai ngày 26 và 27-11, đang nỗ lực dàn xếp cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Pakistan Nawaz Sharif để giải tỏa những căng thẳng xung quanh mối quan hệ giữa hai nước láng giềng còn nhiều hiềm khích nhằm tạo bầu không khí thuận lợi cho các cuộc đàm phán ký kết các thỏa thuận quan trọng của SAARC.
Bộ trưởng Thương mại Nepal Sunil Thapa chắc như “đinh đóng cột” rằng lãnh đạo của Ấn Độ và Pakistan sẽ trao đổi với nhau. “Đó là khoảnh khắc cần thiết để đưa khu vực tiến lên phía trước, đặc biệt là các vấn đề về kinh tế”-Thapa tỏ ra tự tin. Ông nói:“Vì mục tiêu đó, tất cả các nhà lãnh đạo phải nói chuyện với nhau trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh SAARC”. Đây cũng là lý do vì sao Nepal sắp xếp cho lãnh đạo của tất cả các nước thành viên SAARC ở cùng khách sạn Soaltee ở Thủ đô Kathmandu.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Nepal Mahendra Bahadur Panley, cơ hội để Thủ tướng Ấn Độ và Thủ tướng Pakistan gặp nhau là “rất cao” trong ngày hôm nay 26-11. Nếu điều đó không xảy ra, thì hai ông vẫn có dịp “chạm mặt” trong buổi chiêu đãi tại khu nghỉ dưỡng Dwarika ở trung tâm hành chính Dhulikhel của quận Kavrepalanchowk, ngoại ô Thủ đô Kathmandu trong ngày 27-11. “Bất kể là khi thưởng thức cà phê hay dùng súp mulligatawny (món ăn ưa thích của người Ấn và một bộ phận người Pakistan), ông Modi và ông Sharif cũng có rất nhiều cơ hội để nói chuyện với nhau, và tôi tin chắc họ sẽ làm điều đó”-Thapa một lần nữa khẳng định.
Sở dĩ Nepal nỗ lực để Ấn Độ và Pakistan “xích lại gần nhau” là bởi sự thành công của Hội nghị thượng đỉnh SAARC phụ thuộc rất lớn vào thái độ của cả Ấn Độ lẫn Pakistan, hai thành viên được coi là lớn nhất của SAARC xét trên nhiều khía cạnh. Hiện tại, SAARC (thành lập năm 1985, gồm 8 nước Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka, Nepal, Maldives, Bhutan và Afghanistan) đang rất cần tiếng nói đồng thuận để thông qua các hiệp ước về tự do hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách, cũng như xây dựng các tuyến đường sắt xuyên khu vực. Sự hợp tác trên lĩnh vực điện năng cũng nằm trong chương trình nghị sự của khối này, bên cạnh nhiều vấn đề gai góc khác về an ninh biên giới, chống khủng bố
Tuy nhiên, như thực tế cho thấy, quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan rất hay “nóng-lạnh” bất thường và đang ở trong tình trạng căng thẳng sau các cuộc đấu súng qua lại ở khu vực biên giới hai nước vốn có tiềm lực hạt nhân này trong những tháng gần đây. Thủ tướng Modi từng mời Thủ tướng Sharif đến New Delhi dự lễ tuyên thệ nhậm chức của ông hồi tháng 5-2014 như một thiện chí hướng tới nối lại các cuộc đàm phán giữa hai nước về khu vực tranh chấp Kashmir dai dẳng bấy lâu nay. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, cũng vì vấn đề Kashmir mà lãnh đạo hai nước lại “hậm hực” nhau đến nỗi hủy bỏ cuộc gặp cấp cao song phương bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc diễn ra ở New York (Mỹ) vào tháng 9 năm nay.
Còn nhớ vào năm 2002, khi cũng làm nước chủ nhà tổ chức Hội nghị thượng đỉnh SAARC, Chính phủ Nepal từng hủy bỏ tiệc chiêu đãi ở Pokhara vì những căng thẳng trong quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan. Liệu lần này lịch sử có lặp lại?
NHẬT QUANG