24/05/2016 - 08:50

Những thiên đường đang bị tàn phá vì du lịch

Du lịch được ví như con dao hai lưỡi, bởi ngành công nghiệp không khói khơi dậy nhận thức về những cảnh quan đẹp và đem lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương, song nó cũng gây tổn hại nghiêm trọng tới môi trường tự nhiên ở các thắng cảnh, điển hình là những thiên đường du lịch dưới đây:

Đảo Koh Tachai - Thái Lan

Để bảo vệ quần thể động thực vật dưới nước trước các tác động tiêu cực từ hoạt động du lịch, chính quyền Thái Lan mới đây đã thông báo đóng cửa đảo Koh Tachai thuộc vùng biển Andaman đối với tất cả du khách kể từ ngày 15-10 tới. Theo đó, hội đồng phụ trách lý Công viên Quốc gia Similan sẽ tiếp tục giám sát hiện trạng đảo Koh Tachai để quyết định xem khi nào mới thích hợp mở cửa trở lại sau khi hòn đảo "hồi phục" điều kiện tự nhiên

Được biết, mặc dù thiếu thốn hệ thống khách sạn và chỉ mới mở cửa được 6 năm, nhưng đảo Koh Tachai là điểm đến lặn biển rất nổi tiếng tại đất nước Chùa Vàng.

Quần đảo Kok Phi Phi - Thái Lan

Koh Phi Phi là quần đảo bao gồm 6 hòn đảo lớn nằm ngoài khơi tỉnh Phuket, cách Thủ đô Bangkok khoảng 900km về phía Nam. Quần đảo này nổi tiếng với những bãi cát và rạn san hô đẹp bậc nhất thế giới. Kể từ khi Koh Phi Phi trở thành phim trường cho bộ phim "bom tấn" The Beach của Hollywood, thiên đường nhiệt đới này đã phải chịu áp lực ngày càng tăng từ sự bùng nổ hoạt động du lịch thiếu kiểm soát. Theo ước tính của Hội đồng Du lịch Thái Lan, Koh Phi Phi và các đảo lân cận đón hơn 1,4 triệu lượt du khách mỗi năm.

Hiện nay, các rạn san hô của Koh Phi Phi đã bị phá hủy nghiêm trọng vì hoạt động neo tàu du lịch và lặn biển. Trong khi đó, môi trường biển cũng chịu ảnh hưởng vì chất thải gây ô nhiễm từ xuồng máy, cũng như lượng chất thải chưa qua xử lý bị vứt xuống biển.

Đảo Cozumel - Mexico

Nhờ sở hữu các bãi tắm và rạn san hô nhiệt đới tuyệt đẹp, hòn đảo thiên đường Cozumel nằm ngoài khơi Mexico từng được đánh giá là bình yên trước khi trở thành điểm đến phổ biến thứ 2 cho những con tàu du lịch trên khắp thế giới.

Cùng chung số phận như Kok Phi Phi, các rạn san hô dễ tổn thương tại đảo Cozumel đang bị đe dọa bởi tình trạng ô nhiễm và sự phát triển ồ ạt của hoạt động du lịch. Những con tàu du lịch đang khiến vùng biển xung quanh Cozumel ấm lên và hủy hoại các rạn san hô tự nhiên.

Thu dọn rác thải trên đỉnh Everest.

Vùng biển Caribbe

Vì là vùng biển êm ả và lặng sóng, nên biển Caribbe được đánh giá là thích hợp để du lịch bằng tàu, hay neo tàu ngắm cảnh (có đến 63.000 lượt tàu ghé mỗi năm). Mỗi con tàu như thế trung bình chở 600 thành viên thủy thủ đoàn cùng 1.400 du khách.

Hệ quả là số tàu du lịch nói trên thải ra đến 82.000 tấn rác/năm - trong đó, hành khách trung bình vứt bỏ khoảng 3,5 kg rác/ngày (trong khi người dân địa phương chỉ vứt 0,8 kg rác/ngày). Số rác từ du thuyền cùng với rác thải từ người dân địa phương đang dần làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên của thiên đường biển này.

Đảo Bali - Indonesia

Đây là điểm đến du lịch lớn nhất Indonesia, không chỉ nổi tiếng bởi nét đẹp thiên nhiên của một vùng biển nhiệt đới mà còn thu hút du khách quốc tế vì văn hóa hết sức đặc trưng của người dân trên đảo. Tuy nhiên, đảo Bali đang đứng trước mối đe dọa gia tăng từ nạn phá rừng, trong bối cảnh giới chức địa phương mở đường phát triển ngành công nghiệp du lịch và tình trạng gia tăng dân số của Indonesia.

Ngoài ra, việc phát triển du lịch cực nhanh trong khi tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng ì ạch cũng dẫn đến hệ lụy khác – đó là không có chỗ xử lý núi chất thải tại Bali. Việc du nhập các loài động thực vật từ nơi khác cũng đang đe dọa hệ sinh thái tự nhiên của đảo.

Quần đảo Galapagos - Ecuador

Quần đảo Galapagos nằm trong khu vực phía Nam của Thái Bình Dương, cách bờ biển Ecuador 1.000km về phía Tây, và nổi tiếng vì có hệ đa dạng sinh học rất độc đáo. Tuy không thu hút số lượng du khách đông đảo như các thiên đường du lịch kể trên, song cũng có đến hàng ngàn lượt khách ổ về quần đảo này mỗi năm để khám phá hệ động thực vật đa dạng và môi trường sơ khai tại đây.

Trong khi đó, môi trường sống của động thực vật trên quần đảo này lại cực kỳ nhạy cảm với áp lực từ bên ngoài, không chỉ từ việc đón quá nhiều khách, mà còn từ những loài sinh vật du khách mang theo. Hậu quả là Galapagos đã được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới cần phải bảo tồn gấp rút trước khi bị "xóa sổ".

Đỉnh Everest

Kể từ khi 2 nhà thám hiểm Edmund Hillary và Tenzing Norgay đặt chân lên đỉnh Everest hồi năm 1953, khu trại chính trên núi đã đón tiếp hàng chục ngàn người và gần 7.000 người đã chinh phục được đỉnh Everest.

Tuy vậy, những người thám hiểm Everest cũng tác động to lớn tới môi trường dễ tổn thương tại đây. Cụ thể là họ mang theo vô số dụng cụ leo núi, thực phẩm, đồ nhựa, hộp kim loại, thủy tinh, quần áo, giấy và lều. Dĩ nhiên, một số vật dụng đã được bỏ lại trên đường đi. Do vậy, việc giữ gìn vệ sinh cho "nóc nhà thế giới" là vấn đề nan giải, khi mà có tới 11.000 kg "chất thải" từ con người được dọn dẹp khỏi đây mỗi năm.

NGUYỆT CÁT (Theo BBC, eThailand)

Chia sẻ bài viết