12/03/2016 - 19:41

THỂ THAO CẦN THƠ

Nhìn từ chính sách thu hút tài năng

Năm 2015 là năm đáng nhớ đối với thể thao Cần Thơ khi nhiều quyết sách quan trọng được thông qua, tạo tiền đề để thể thao thành tích cao phát triển mạnh, bền vững hơn. Trong đó, đáng kể nhất là việc HĐND thành phố khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016, thông qua Nghị quyết "Thực hiện thu hút nguồn nhân lực về thể thao thành tích cao, giai đoạn 2016-2020". Mặc dù Cần Thơ triển khai thực hiện chính sách này có phần chậm hơn một số nơi khác như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, An Giang… nhưng đây là tín hiệu vui, hứa hẹn mang lại những thay đổi tích cực.

Bài 1: Những nỗ lực mang "vàng" về cho thể thao Cần Thơ

Song song với công tác đào tạo VĐV, thu hút tài năng là yếu tố quan trọng để nâng cao thành tích của thể thao địa phương. Không chỉ đáp ứng mục tiêu trước mắt là tìm kiếm huy chương, những tài năng được thu hút còn tạo động lực để thể thao địa phương phát triển mạnh mẽ hơn.

Thu hút tài năng thể thao: điều kiện cần

Theo các chuyên gia thể thao, các HLV, việc đào tạo VĐV thi đấu đỉnh cao là một quá trình lâu dài, phức tạp và gian nan, đòi hỏi phải hội đủ nhiều yếu tố. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là con người. Để trở thành một VĐV chuyên nghiệp, thi đấu đỉnh cao, VĐV phải được phát hiện sớm, được rèn luyện với qui trình nghiêm ngặt, trải qua nhiều cuộc sàng lọc, đòi hỏi VĐV phải có ý chí và nghị lực phấn đấu rất cao. Nhiều năm qua, Trung tâm Thể dục thể thao (TDTT) TP Cần Thơ có 19 bộ môn, nhưng tổng số VĐV chỉ khoảng 80 người. Nếu tính bình quân, mỗi bộ môn chỉ có khoảng 5- 6 VĐV cả tuyển lẫn trẻ. Có bộ môn chỉ 1 VĐV như bắn cung hay bi da. Trong khi đó, chỉ riêng môn điền kinh, thể thao Hà Nội đã có 50-70 VĐV tập luyện thường xuyên.

Kỳ thủ Phạm Lê Thảo Nguyên là một trong số ít VĐV trưởng thành từ Cần Thơ đang có thành tích ổn định. Ảnh: LAM TUYỀN

Chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT, phân tích: "Thời gian qua, thể thao Cần Thơ cũng đã giới thiệu được nhiều gương mặt VĐV tiêu biểu ở một số môn thể thao thành tích cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh lực lượng còn mỏng như hiện nay, Cần Thơ buộc phải thu hút VĐV đẳng cấp từ bên ngoài để đạt mục tiêu trước mắt. Lực lượng này ngoài việc thi đấu mang về thành tích cho Cần Thơ, còn là động lực kích thích cho các VĐV địa phương phấn đấu, học hỏi". Ông Nguyễn Đức Thịnh, Trưởng bộ môn Boxing Việt Nam, Tổng cục TDTT, hiện đang phụ trách cố vấn cho Boxing Cần Thơ, cũng cho rằng: "Việc thu hút VĐV đẳng cấp thi đấu cho Cần Thơ là cần thiết, bởi vì trong điều kiện hiện tại, những VĐV đẳng cấp cao được thu hút sẽ "kéo" thành tích của thể thao, đồng thời góp phần giúp VĐV của địa phương tiến bộ hơn".

Có thể lấy trường hợp của nữ hoàng tốc độ Vũ Thị Hương thi đấu cho điền kinh An Giang là một điển hình về thành công thu hút nhân tài. Ngoài việc mang nhiều HCV về cho điền kinh An Giang từ 2008 đến 2014, Vũ Thị Hương còn tạo được động lực cho những VĐV trẻ của địa phương. Hiện tại, bộ môn Điền kinh An Giang đã có trên 30 VĐV (4 VĐV tuyển, 7 VĐV trẻ và gần 20 VĐV năng khiếu). Theo HLV Huỳnh Văn Bé, đây là lứa VĐV đã được sàng lọc khá kỹ càng nên có trình độ chuyên môn tốt. Nhiều VĐV đã bộc lộ tố chất, triển vọng vươn xa.

Hiệu quả bước đầu

Kêu gọi VĐV bên ngoài về thi đấu cho Cần Thơ là bước ngoặt của thể thao Cần Thơ. Ông Lê Văn Cường, nguyên Giám đốc Sở Thể thao Cần Thơ (cũ), nhớ lại: "Trước Đại hội TDTT toàn quốc năm 2010, Cần Thơ triển khai đề án "Quy hoạch phát triển ngành TDTT TP Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030". Theo đó, bên cạnh việc xây dựng lực lượng VĐV của địa phương, còn có kế hoạch thu hút nhân tài thể thao. Tuy nhiên, kinh phí hoạt động TDTT trong giai đoạn này còn hạn chế, nên lực lượng VĐV của thể thao Cần Thơ chủ yếu là VĐV tại chỗ". Khi đăng cai, tổ chức Hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) toàn quốc năm 2012, Cần Thơ có điều kiện đặt những "viên gạch" đầu tiên để xây nền cho kế hoạch thu hút tài năng thể thao. Với mục tiêu vào tốp 3, Cần Thơ đã mời chuyên gia Nguyễn Hồng Minh cố vấn xây dựng kế hoạch tham dự HKPĐ toàn quốc, đồng thời chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014. Cần Thơ cũng đã mời HLV một số môn thể thao khác: Lê Công (Karatedo), Nguyễn Công Đúng (Bơi lội)…

Đầu năm 2016, Cần Thơ chiêu mộ thành công kỳ thủ Nguyễn Ngọc Trường Sơn. Theo bảng hợp đồng 4 năm, Cần Thơ sẽ trả lương cho VĐV thu hút này khoảng 17 triệu đồng/ tháng. Ảnh: XUÂN THANH

Tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014, tuyển thủ quốc gia Karatedo quê ở Trà Vinh là Thạch Thị Trang đã thi đấu hết sức mình để giành HCV về cho Cần Thơ. Trang là gương mặt thể thao nổi bật của Trà Vinh từng giành HCV SEA Games 26 ở Indonesia. Cô khoác áo Cần Thơ theo thỏa thuận ngắn hạn. Chiếc HCV của Trang đã góp phần quan trọng giúp Cần Thơ đạt được mục tiêu nằm trong tốp 10. Thạch Thị Trang là một trong 8 VĐV đẳng cấp quốc gia, cùng với 5 chuyên gia và 6 HLV cao cấp được Cần Thơ "trải thảm" mời về. Nếu không có những VĐV thu hút, Cần Thơ có thể không hoàn thành chỉ tiêu, khi kết quả đạt được 17 HCV, chỉ hơn 3 đơn vị kế cận (cùng 17 HCV) về số HCB.

* * *

Mặc dù đạt được một số kết quả ban đầu nhưng so với một vài địa phương khác, Cần Thơ vẫn "chậm chân" trong việc thực hiện chính sách thu hút nhân tài thể thao. Nghị quyết "Thực hiện thu hút nguồn nhân lực về thể thao thành tích cao, giai đoạn 2016-2020" đã tháo gỡ những vướng mắc về quy trình, thủ tục thực hiện hợp đồng, chế độ đãi ngộ…

XUÂN – MINH

Bài 2: Không thể chậm trễ

Chia sẻ bài viết