Một nghiên cứu thực hiện tại thành phố Calgary (Canada) cho thấy 24,5% số phụ nữ nước ngoài được xác định đến đây sinh con là công dân Nigeria. Tương tự, một nghiên cứu khác tại thành phố Chicago (Mỹ) cho thấy có đến 88% phụ nữ nước ngoài tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sản khoa tại bệnh viện là người Nigeria. Tại Anh, hiện tượng này còn được gọi là “Lagos Shuttle”, đề cập đến số lượng lớn phụ nữ Nigeria là “khách du lịch sinh con”. Theo một ước tính, hơn 23% số thai phụ Nigeria muốn ra nước ngoài sinh con.

Khả năng tiếp cận dịch vụ y tế hạn chế khiến nhiều phụ nữ Nigeria không được chăm sóc sức khỏe tốt trong khi mang thai và sinh con. Ảnh: Guardian
Nhiều lý do để sinh con ở nước ngoài
Trong một nghiên cứu giải thích cho hiện tượng phụ nữ Nigeria ra nước ngoài sinh con, đăng trên Tạp chí PLOS Global Public Health, các chuyên gia sử dụng các nền tảng mạng xã hội để tìm 27 phụ nữ Nigeria đã sinh ít nhất 1 con ở nước ngoài và phỏng vấn họ để tìm hiểu động lực và kinh nghiệm sinh con ở nước ngoài. Trong số 27 phụ nữ, có 23 người đã sinh ít nhất 1 con ở Mỹ và 4 người sinh ít nhất 1 con ở Anh. Tất cả đều tốt nghiệp đại học.
Nhìn chung, lý do sinh con ở nước ngoài của những phụ nữ Nigeria tham gia nghiên cứu là khác nhau. Một số phụ nữ được thúc đẩy bởi niềm tin rằng việc sinh con ở nước ngoài có thể mang lại cho đứa trẻ những lợi ích khi nhận được quyền công dân nước ngoài, như có thể tiếp cận một nền giáo dục tốt, môi trường sống tốt hơn, dễ dàng tìm việc làm và tiếp cận các khoản vay hơn.
Ngoài quyền công dân nước ngoài dành cho con, thì một động lực khác đó là việc những người mẹ có thể hưởng lợi từ nền y tế tốt hơn, đặc biệt là đối với những người đã có trải nghiệm tồi tệ trong những lần sinh nở trước ở Nigeria, hoặc lo lắng khi đang mang thai một “em bé quý giá”, ví dụ như thụ thai thành công sau nhiều năm vô sinh. Nhiều phụ nữ trong nghiên cứu cũng tìm cách sinh con ở nước ngoài vì ở nơi đó, họ có người thân hỗ trợ trong suốt thai kỳ, khi sinh nở và chăm con sau sinh.
Thực tế cho thấy số lượng công dân Nigeria sống tại Mỹ đã tăng theo thời gian và tính đến năm 2023, hơn 760.000 người Mỹ tự nhận mình là người gốc Nigeria. Về cơ bản, có hơn 1 trong 10 người nhập cư châu Phi tại xứ cờ hoa là người Nigeria. Trong khi một số phụ nữ Nigeria đã lên kế hoạch sinh con ở nước ngoài từ rất lâu trước khi họ mang thai, một số khác mới được gia đình, bạn bè hoặc đồng nghiệp khuyến khích làm như vậy. Còn một số khác chỉ quyết định sinh con ở nước ngoài sau khi thu nhập của họ tăng lên.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém trong nước
Nigeria là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong ở phụ nữ mang thai cao nhất châu Phi. Hồi năm 2020, khoảng 82.000 phụ nữ Nigeria đã thiệt mạng do các tai biến sản khoa, bao gồm xuất huyết nghiêm trọng, nhiễm trùng huyết và phá thai không an toàn.
Hồi năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Nigeria chiếm gần 20% tổng số ca tử vong ở bà mẹ trên toàn cầu. Theo đó, 1 phụ nữ Nigeria có nguy cơ tử vong trong suốt cuộc đời là 1/22 trong khi mang thai, sinh con hoặc sau sinh/sau phá thai. Ở hầu hết các nước phát triển, rủi ro này chỉ ở mức 1/4.900.
Còn theo một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí BMC Pregnancy Childbirth năm 2022, gánh nặng tử vong ở sản phụ tại Nigeria chỉ đứng sau Ấn Ðộ. Khi xem xét nguyên nhân tử vong sản phụ tại bệnh viện của Ðại học Lagos trong giai đoạn 2007-2019, nhóm nghiên cứu phát hiện tỷ lệ tử vong ở sản phụ có xu hướng tăng khoảng 4% mỗi năm. Ngoài nợ công tăng vọt và cuộc khủng hoảng lạm phát trong nước, một yếu tố thúc đẩy vấn đề tử vong ở sản phụ Nigeria là số lượng bác sĩ thấp. Theo WHO, một hệ thống chăm sóc sức khỏe hoạt động cần đảm bảo tỷ lệ 1 bác sĩ/600 bệnh nhân. Nhưng ở Nigeria, tỷ lệ này là 1 bác sĩ cho mỗi 4.000-5.000 bệnh nhân.
Một vấn đề khác là khả năng tiếp cận dịch vụ y tế hạn chế. Tại thủ đô Lagos, phụ nữ phải vật lộn với hệ thống giao thông công cộng “không đáng tin cậy” và tình trạng giao thông đông đúc đến nỗi xe cứu thương đôi khi không thể di chuyển. Cũng do những khó khăn trong việc tiếp cận điều trị, phụ nữ vùng nông thôn Nigeria ngày càng phụ thuộc vào các bà đỡ truyền thống và các nhà thờ công cộng trong quá trình chuyển dạ, thay vì tìm đến các chuyên gia y tế lành nghề như WHO khuyến nghị.
NGUYỆT CÁT (Theo Conversation.com, The Week)