19/01/2020 - 18:40

Nhiều “ông lớn” giảm sử dụng nhựa 

Các công ty thực phẩm đang nỗ lực giảm dùng nhựa trong đóng gói, nhưng lại không tìm ra vật liệu tái chế phù hợp. Ngày 16-1, hãng Nestlé tuyên bố sẵn sàng chi hơn 2 tỉ USD để giúp tháo gỡ vướng mắc này.

Hãng thực phẩm lớn nhất thế giới Nestlé thông báo sẽ cắt giảm chi phí ở những mảng kinh doanh khác để có 1,6 tỉ USD mua 2 triệu tấn nhựa đã được tái chế từ nay cho tới năm 2025. Đây là một phần trong chiến lược giảm bớt tình trạng thiếu hụt nhựa tái chế có thể dùng làm bao bì thực phẩm. Điều này sẽ giúp công ty đạt mục tiêu giảm 1/3 lượng nhựa sử dụng vào năm 2025. Ngoài ra, Nestlé cũng sẽ lập quỹ 250 triệu USD để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp tập trung chế tạo bao bì bền vững. Tổng kinh phí rót vào các sáng kiến này có thể lên tới 2,1 tỉ USD. Những gì Nestlé muốn thực hiện là tạo ra nền kinh tế tuần hoàn cho nhựa dùng đóng gói thực phẩm, đảm bảo vật liệu này sẽ không bao giờ trở thành chất thải.

Gói bột pha sữa của Nestlé. Ảnh: WSJ

Thật ra, Nestlé là một trong những “thủ phạm” phát thải rác nhựa nhiều nhất trên thế giới, theo tổ chức Break Free From Plastic. Hồi tháng 10-2019, tổ chức này đã xác định Coca-Cola, Nestlé và PepsiCo là 3 cái tên đứng đầu danh sách những thương hiệu gây ô nhiễm cho thế giới trong năm thứ hai liên tiếp. Tổng lượng nhựa mà Nestlé sử dụng để đóng gói thực phẩm trong năm 2018 là 1,7 triệu tấn. Tuy nhiên, hiện nay chỉ 2% bao bì nhựa của hãng này được tái chế. Được biết, Nestlé Water, công ty nước uống đóng chai lớn nhất thế giới, có 87 nhà máy trên toàn cầu. Một phần trong mục tiêu đưa khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống mức 0 vào giữa thế kỷ này, năm ngoái Nestlé cũng cam kết sẽ tái chế hoặc tái sử dụng 100% bao bì sản phẩm vào năm 2025.

Cùng chung nỗ lực trên, nhãn hàng kem đánh răng Colgate gần đây đã tung ra sản phẩm mới mà bao bì của nó có thể tái chế 100%. Hầu hết các tuýp kem đánh răng trên thị trường hiện nay không thể tái chế vì chúng được làm từ hỗn hợp nhựa và nhôm khá phức tạp. Nhưng ống kem đánh răng “Smile for Good” của Colgate sử dụng HDPE, loại nhựa được dùng để sản xuất bình đựng sữa. Các kỹ sư đã phát triển phương pháp chuyển đổi nhựa cứng thành loại ống “có thể nhào nặn thoải mái”. Mặc dù tạo ra tuýp kem đánh răng đầu tiên có thể tái chế hoàn toàn, nhưng tập đoàn Colgate-Palmolive sẽ chia sẻ công nghệ này cho các đối thủ. Đây cũng là một phần trong cam kết của tập đoàn nhằm hạn chế sử dụng dạng bao bì nhựa phổ biến nhưng không thể tái chế.

Trong bối cảnh ngày càng nhiều người lo ngại về ảnh hưởng của đồ nhựa dùng một lần đối với môi trường, các nhà sản xuất và bán lẻ đã bắt đầu hành động. Colgate-Palmolive tuyên bố vào năm 2025 tất cả các sản phẩm của họ đều có thể tái chế 100%. Trong khí đó, Unilever khẳng định sẽ giảm phân nửa lượng nhựa sử dụng bằng cách tạo ra các sản phẩm gia dụng phiên bản xanh hơn. Unilever bắt đầu thu thập bao bì nhiều hơn là sử dụng để tạo ra nền kinh tế tuần hoàn cho nhựa tái chế. Tập đoàn tiêu dùng này cũng đang thử nghiệm các refill station, nơi khách hàng có thể mang chai lọ cũ tới mua các sản phẩm như kem đánh răng, xà phòng…

Được biết, Unilever sở hữu hơn 400 nhãn hàng, bao gồm Dove và Comfort và mỗi năm họ sử dụng tới 700.000 tấn nhựa. Dự kiến đến năm 2025 Unilever thu thập/ xử lý khoảng 600.000 tấn nhựa/năm và không sử dụng hơn 350.000 tấn nhựa.

HẠNH NGUYÊN (Theo CNN, Guardian)

Chia sẻ bài viết