13/03/2015 - 08:54

Nhìn lại một cuộc chiến

Cuộc xung đột vũ trang kéo dài 4 năm qua tại Syrie, mà khởi đầu là cuộc biểu tình mang danh dân chủ và cải cách chính trị ngày 15-3-2011, đã gây ra biết bao tổn thất, biến loạn to lớn cho quốc gia Trung Đông này.

heo hãng tin AP của Mỹ, cuộc chiến tại Syrie đến nay đã làm hơn 220.000 người thiệt mạng. Hãng tin Pháp AFP dẫn thống kê của nhóm Giám sát Nhân quyền Syrie có trụ sở tại Luân Đôn (Anh) đưa ra chi tiết đối tượng mất mạng như sau: 65.146 dân thường, trong đó có 10.664 trẻ em; 38.325 quân nổi dậy và 24.989 tay súng thánh chiến nước ngoài; 45.385 binh sĩ quốc gia, 29.943 dân quân địa phương, 640 thành viên Hezbollah từ Liban, hơn 2.500 tình nguyện viên ủng hộ chính phủ Syrie từ các quốc gia khác; khoảng 20.000 người mất tích trong tù.

Có khoảng 11,4 triệu người trên tổng dân số 23 triệu trước chiến tranh mất nhà cửa hoặc chạy lánh nạn, bao gồm gần 4 triệu người qua các nước láng giềng. Gần 51% số trẻ em, tức khoảng 2,4 triệu trẻ em không thể cắp sách đến trường do bất ổn an ninh. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm hơn 40%. Theo số liệu từ chính phủ Syrie, tổn phí do chiến sự lên tới 31 tỉ USD và sản lượng dầu mỏ khai thác giảm đến 96%. Tuy nhiên, theo Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (LHQ), tổn thất GDP của Syrie ước tính là 119,7 tỉ USD, chiếm 59% trên tổng thiệt hại kinh tế do phần lớn kết cấu hạ tầng bị phá hủy của nước này lên đến 202,6 tỉ USD. Nền kinh tế Syrie, theo các chuyên gia, đã thụt lùi đến 30 năm.

Ngoài ra, cuộc chiến đầy hỗn loạn đã khiến 80% dân số lâm vào cảnh nghèo đói, tỷ lệ thất nghiệp từ 14,9% lên 57,7%, tuổi thọ trung bình giảm 27 năm. Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad hiện chỉ kiểm soát 40% lãnh thổ với 60% dân số, những thành phố lớn như Aleppo và Raqa đã lọt vào tay nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Với những tổn thất quá lớn về người, tài sản công cộng, kinh tế quốc gia, hệ thống dân sinh suy yếu nghiêm trọng, tương lai của Syrie sẽ về đâu sau 4 năm xung đột với những diễn biến ngày càng phức tạp trước sự xuất hiện của nhóm thánh chiến bạo tàn IS và vị thế thống lĩnh của Mặt trận al-Nusra thân al-Qaeda ở miền Bắc Syrie?

Mỹ và các nước châu Âu như Pháp, Anh và Đan Mạch đến nay vẫn bác bỏ vai trò cầm quyền hợp pháp của Tổng thống al-Assad. Tuy nhiên, các quốc gia Âu châu khác như Thụy Điển, Áo, Tây Ban Nha, CH Czech, Ba Lan cho rằng họ không thấy có lợi ích để cô lập ông al-Assad, người mà một nhà ngoại giao cựu lục địa nhận xét đang ở vị thế không thể đánh bại được. Một quan chức LHQ cũng cho rằng nhà lãnh đạo al-Assad là một phần không thể thiếu trong tiến trình xây dựng chính phủ đoàn kết dân tộc tại Syrie. Phe chính trị nổi dậy cũng không còn yêu cầu ông al-Assad phải ra đi như là điều kiện tiên quyết cho đàm phán hòa bình, dù con đường tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn cho quốc gia Trung Đông này vẫn còn rất mờ mịt.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết