Đứng trước nguy cơ bị cắt đứt nguồn cung ứng vật liệu công nghệ từ Trung Quốc do những căng thẳng chính trị những năm gần đây, các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc không ngừng tìm kiếm các giải pháp thay thế, dù điều này không dễ dàng.
Công nhân làm việc tại một nhà máy bán dẫn ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Sojitz, công ty có trụ sở tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản), đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy ở đảo Kyushu để chế biến fluorit thành hydro fluorit. Mục tiêu của Sojitz là đáp ứng 40% nhu cầu hàng năm của Nhật Bản đối với loại hóa chất sản xuất chip này nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
“Chúng tôi muốn các nhà sản xuất chất bán dẫn và vật liệu pin sử dụng axit hydro fluorit tham gia và xây dựng chuỗi cung ứng cùng chúng tôi” - Takashi Mizukami, giám đốc phụ trách phát triển kinh doanh của Sojitz, cho biết.
Theo tờ KrAsia, dự án do Sojitz liên doanh với công ty Mexichem Fluor (Mexico) nói trên là ví dụ điển hình về nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung các vật liệu công nghệ quan trọng trong bối cảnh bất ổn chính trị ngày càng tăng. Theo đó, Chính phủ Nhật Bản đang chi 527 tỉ yen (tương đương 3,4 tỉ USD) để hỗ trợ các dự án nhằm xây dựng các cơ sở sản xuất trong nước liên quan đến các lĩnh vực như số hóa, công nghiệp “xanh”. Về phần mình, Bộ Công nghiệp Nhật Bản cũng đã xây dựng một chiến lược nhằm ổn định nguồn cung khoáng sản quan trọng như đất hiếm, gali, germani và urani.
Trong khi đó, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc hồi năm ngoái đã phân loại 10 loại khoáng sản, gồm lithi, niken, coban, mangan hay than chì, là các loại khoáng sản “mang tầm chiến lược”, đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu giảm phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào xuống dưới mức 50% vào năm 2030. Hàn Quốc đã tiếp cận Canada, Úc, Chile nhằm đảm bảo nguồn cung các loại khoáng sản như lithi, niken, coban hay đồng.
Các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản cũng có những bước đi nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Đơn cử, công ty hóa chất LG Chem của Hàn Quốc đã loại Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng khoáng sản và vật liệu cho nhà máy vật liệu catốt tại bang Tennessee (Mỹ). LG Chem có kế hoạch tìm nguồn cung ứng từ các quốc gia đã ký hiệp định thương mại tự do với Mỹ để được hưởng lợi về thuế. Trong khi đó, tập đoàn thép POSCO hồi năm ngoái đã xây dựng nhà máy lithi hydroxide đầu tiên của Hàn Quốc tại thành phố cảng Gwangyang thông qua liên doanh với công ty khai thác Pilbara Minerals (Úc). Dự kiến, nhà máy này mỗi năm có thể sản xuất 21.500 tấn lithi hydroxide.
Trong khi đó, Mitsui & Co (Nhật Bản) đang đầu tư vào công ty Nouveau Monde Graphite (Canada) để xây dựng nhà một nhà máy sản xuất vật liệu pin mới. Một số công ty khác của Nhật Bản thì tăng cường sản xuất lithi hydroxide trong nước có thể đủ đáp ứng nhu cầu lithi hydroxide hiện tại của Nhật Bản là khoảng 40.000 tấn mỗi năm.
Theo giới phân tích, sở dĩ Nhật Bản và Hàn Quốc có những động thái như trên là bởi Trung Quốc không ngần ngại sử dụng các biện pháp cứng rắn nhằm kiểm soát các vật liệu chính. Trung Quốc có lợi thế là gần như bất cứ thứ gì các nước khác có thể cung cấp, họ đều có thể bán với giá rẻ hơn. Ngoài ra, Trung Quốc không chỉ có nguyên liệu thô mà còn chế biến những nguyên liệu thô đó. Chẳng hạn, Úc là nhà sản xuất lithi lớn nhưng Nhật Bản và Hàn Quốc nhập khẩu chế phẩm lithi chủ yếu từ Trung Quốc.
“Nhiều loại vật liệu từ Trung Quốc có tính cạnh tranh cao. Vì vậy, bạn không thể chuyển sang các nguồn cung khác ngay lập tức. Và khách hàng cũng không chấp nhận chi phí cao hơn” - Masaaki Kawakami, tổng giám đốc bộ phận bán vật liệu năng lượng của công ty Central Glass (Nhật Bản), cho biết. Chưa kể, một số vật liệu, chẳng hạn như magie, hầu như chỉ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Hiện 99% magie cô đặc cao của Nhật Bản được nhập khẩu từ Trung Quốc.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)