 |
Châu Phi nghèo khó nhưng giàu tài nguyên thiên nhiên đang là nơi cạnh tranh quyết liệt giữa các cường quốc. |
Ngày 28-5 tới, Nhật Bản sẽ tổ chức Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi lần thứ 4 (TICAD IV) tại thành phố Yokohama của nước này. Dự kiến sẽ có khoảng 40 nguyên thủ quốc gia châu Phi được mời tham gia, tăng hơn gấp đôi so với hội nghị lần thứ 3 năm 2003.
Sự tham gia đông đảo của các nhà lãnh đạo lục địa đen chứng tỏ rằng Hội nghị quốc tế Tokyo 5 năm một lần này có tầm ảnh hưởng ngày càng lớn. Theo tờ New Vision, những cam kết của TICAD IV cũng sẽ được hội nghị thượng đỉnh Nhóm 8 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G8) họp tại đảo Hokkaido của Nhật Bản vào tháng 7 thông qua. Với tư cách nước chủ nhà của 2 hội nghị này, Nhật Bản tỏ ra khá hào phóng trong việc viện trợ cho châu lục nghèo nhất hành tinh. Tokyo vừa quyết định tài trợ 10 tỉ USD giúp các nước châu Phi chống chọi với biến đổi khí hậu trong vòng 5 năm tới. Theo nhật báo Yomiuri Shimbun, chính phủ của Thủ tướng Yasuo Fukuda tăng viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho châu Phi là nhằm cải tiến kỹ thuật nông nghiệp (mà mục tiêu cụ thể là nâng gấp đôi sản lượng lúa trong vòng 10 năm tới), cải thiện kết cấu hạ tầng, thúc đẩy lĩnh vực kinh tế tư nhân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chăm sóc y tế và cung cấp nước sạch.
Nhật Bản đưa ra sáng kiến tổ chức TICAD lần đầu tiên vào năm 1993 nhằm hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho châu Phi. Từ năm 2003, Tokyo tăng viện trợ cho châu Phi lên 800 triệu USD mỗi năm. Năm 2005, Thủ tướng Junichiro Koizumi cam kết tăng gấp đôi viện trợ trong 3 năm tiếp theo và hoàn thành chỉ tiêu vào năm 2007 với mức tài trợ đạt 1,7 tỉ USD. Tuy nhiên, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), dù tăng mạnh viện trợ nhưng Nhật Bản vẫn rơi từ vị trí thứ 3 xuống thứ 5 trong số các nhà tài trợ cho châu Phi hồi năm ngoái. Các nhà bình luận cho rằng với tiềm lực của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và xem viện trợ phát triển là chính sách ngoại giao chủ yếu của mình, Nhật Bản không hài lòng với vị trí hiện nay ở châu Phi, đặc biệt giữa lúc hai nước lớn khác của châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng mở rộng ảnh hưởng tại đây.
Từ cuối những năm 1970, Nhật Bản bắt đầu triển khai thực hiện chính sách viện trợ nhằm tăng cường quan hệ với các nước đang phát triển và coi đó là biện pháp góp phần nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế. Thực tế cho thấy chính sách này có tác dụng rõ rệt. Vì thế, Tokyo chủ trương đẩy mạnh áp dụng nó tại châu Phi giàu khoáng sản và dầu mỏ. Mặt khác, theo hãng tin Anh Reuters, Nhật Bản muốn cạnh tranh với Ấn Độ trong nỗ lực giành một ghế ủy viên thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (mở rộng), và lá phiếu của hơn 50 quốc gia châu Phi có ý nghĩa đáng kể.
V.P
(Theo Yomiuri Shimbun, New Vision, Xinhua, Reuters)