28/12/2009 - 08:42

Nhật-Ấn thắt chặt quan hệ

 

Hai ông Hatoyama (trái) và Singh gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Thái Lan hồi cuối tháng 10-2009.

Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama hôm qua bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ 3 ngày. Thông thường thì các nhà lãnh đạo đất nước Mặt trời mọc không đi công cán nước ngoài vào những ngày cuối năm, vì đó là thời điểm chuẩn bị thông qua ngân sách tài khóa mới. Theo tờ Indian Express, ông Hatoyama có lý do để phá lệ bởi giai đoạn 2008-2009 là lần đầu tiên vốn đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Ấn Độ (8,8 tỉ USD) cao hơn đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc (7,4 tỉ USD).

Chuyến thăm New Delhi của ông Hatoyama được xem như cam kết chính trị của chính phủ mới ở Tokyo đối với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nhật-Ấn, được thiết lập từ cuối năm 2006. Không giống như đảng Dân chủ Tự do (vừa mới chấm dứt nửa thế kỷ cầm quyền hồi tháng 9), đảng Dân chủ Nhật Bản của Thủ tướng Hatoyama chủ trương gần gũi với Trung Quốc và điều này khiến Ấn Độ ít nhiều lo ngại. Thế nên không lâu sau khi ông Hatoyama nhậm chức, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã cử Cố vấn an ninh quốc gia M. K. Narayanan tới Tokyo để thăm dò thái độ của chính quyền mới. Và New Delhi đã an tâm phần nào khi Thủ tướng Hatoyama bỏ qua nghi thức, đích thân đưa ông Narayanan tới tận cửa xe. Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony cũng sang thăm Nhật Bản, rồi binh sĩ hai nước tập trận chung. Gần đây, Nhật Bản và Ấn Độ tăng cường quan hệ quân sự và đã ký kết thỏa thuận hợp tác an ninh nhân chuyến thăm Tokyo của Thủ tướng Singh hồi năm ngoái. Đây là văn bản thứ hai mà Nhật Bản ký kết, sau thỏa thuận với đồng minh Mỹ.

Kinh tế là một trọng tâm khác trong chuyến đi của Thủ tướng Hatoyama. Trong 3 năm qua, số công ty Nhật Bản làm ăn tại Ấn Độ đã tăng từ 267 lên 627. Bất chấp khủng hoảng kinh tế, kim ngạch thương mại song phương năm 2008 tăng 25%, đạt 13 tỉ USD. Trước mắt, Nhật Bản đã cam kết cung cấp cho Ấn Độ 5 tỉ USD vốn ODA để thực hiện dự án Hành lang công nghiệp Delhi-Mumbai (tổng kinh phí lên tới 90 tỉ USD). Hiện hai nước đang đàm phán hiệp định thương mại tự do và chuyến thăm của Thủ tướng Hatoyama được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiến trình này. Đối với Nhật Bản, thị trường khổng lồ của Ấn Độ rất đáng quan tâm.

Khi nói tới quan hệ giữa Nhật Bản và Ấn Độ, người ta thường không quên đề cập yếu tố Trung Quốc, không chỉ vì Bắc Kinh đang có tranh chấp lãnh thổ với cả Tokyo và New Delhi. Hiện Nhật Bản đang ra sức củng cố vị thế của mình như là cường quốc hàng đầu châu Á. Còn Ấn Độ thì muốn tìm tiếng nói xứng đáng hơn cho đất nước 1,2 tỉ dân có nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh mẽ. Và cả hai đều nhận thấy rằng Trung Quốc, một ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đang mở rộng sức mạnh quân sự và kinh tế, là thách thức lớn nhất đối với tham vọng của họ. Trong tình thế đó, Nhật Bản và Ấn Độ đã tìm thấy ở nhau như những đối tác tự nhiên. Riêng đối với Ấn Độ, thắt chặt quan hệ với Nhật Bản còn là một phần trong chiến lược hướng Đông của nước này.

LÊ DÂN
(Theo Indian Express, The Hindu, AFP)

Chia sẻ bài viết