21/09/2015 - 15:52

Nhân sự - Bài toán khó của thể thao cơ sở

Thiếu cán bộ chuyên trách thể thao cơ sở ở các quận, huyện là thực trạng của Cần Thơ nhiều năm qua. Vấn đề này còn đang là bài toán khó, dù cơ quan quản lý là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ đã nhiều lần tổ chức kiểm tra hoạt động thể dục thể thao (TDTT) ở các quận huyện, lấy ý kiến, ghi nhận phản ánh để tìm giải pháp...

Sau khi tổ chức các môn thể thao chào mừng ngày Thể thao Việt Nam 27- 3 và Giải Thể thao phục vụ đồng bào dân tộc Khmer dịp Tết Chôl Chnăm Thmây, Trung tâm Văn hóa Thể thao (VH-TT) huyện Cờ Đỏ tổ chức tiếp Giải Vô địch bóng chuyền vào tháng 4, Giải Vô địch bóng đá huyện Cờ Đỏ vào tháng 5, rồi đến Hội thao Công nhân viên chức lao động TPCT lần thứ XI năm 2015 vào tháng 6… Từ đầu năm đến nay, cùng với các hoạt động TDTT, Trung tâm VH-TT huyện Cờ Đỏ còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ khác. Trong khi đó, nhân sự để thực hiện các hoạt động này ngoài Giám đốc và Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện, chỉ có 1 nhân viên hợp đồng. Đó cũng là số lượng nhân sự phụ trách công tác TDTT tại Trung tâm VH-TT huyện Cờ Đỏ kể từ khi chia tách huyện vào cuối năm 2008 đến nay. Công việc quá nhiều nên có lúc công tác tổ chức còn sơ suất là điều khó tránh khỏi.

Các đơn vị tham dự Giải vô địch bóng chuyền TP Cần Thơ năm 2015, do huyện Thới Lai đăng cai tổ chức.

Tương tự, ở quận Ô Môn, ông Nguyễn Hồng Xương, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT quận và 3 cán bộ phụ trách thể thao cáng đáng công việc tổ chức các giải thể thao, kiêm luôn công tác huấn luyện VĐV năng khiếu môn điền kinh, đẩy gậy và đội tuyển bóng đá quận. Trong khi đó, các huyện Vĩnh Thạnh, Thới Lai, nhân sự phụ trách thể thao cũng chỉ từ 1 đến 2 người. Ngay cả các quận có điều kiện tốt để phát triển mạnh phong trào TDTT như Cái Răng, Bình Thủy, cán bộ phụ trách thể thao cũng chỉ có từ 3 đến 4 người. Đơn cử như quận Bình Thủy hiện đang tập trung đào tạo 12 môn thể thao, mỗi năm quận tổ chức gần 20 giải đấu cấp quận, chưa kể còn phải hỗ trợ cho công tác tổ chức các giải thể thao ở các phường mà chỉ có 4 nhân sự kiêm nhiệm thể thao.

Thiếu nhân sự chuyên trách thể thao là tình hình chung của các quận huyện. Ông Trần Hữu Phước, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện Cờ Đỏ, chia sẻ: "Tổ chức một giải đấu gặp nhiều khó khăn, cập rập vì ít người mà phải gồng gánh quá nhiều việc. Khi tổ chức giải đấu lớn, Trung tâm phải mượn thêm người ở các đơn vị khác, mất thêm thời gian hướng dẫn chuyên môn". Ở xã, tình hình nhân sự càng khó khăn hơn. Hầu hết các xã, phường hiện không có cán bộ chuyên trách thể thao, mà chỉ có cán bộ làm công tác văn hóa, văn nghệ kiêm nhiệm luôn hoạt động thể thao. Do vậy, khi tổ chức một giải đấu hay hoạt động TDTT ở xã, phường, khó đòi hỏi về chất lượng chuyên môn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Luận, Phó Giám đốc Thường trực Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho rằng: "Để phát triển phong trào TDTT ở cơ sở, nhân tố con người là điều quan trọng. Thực trạng thiếu nhân sự thể thao ở các quận, huyện, rồi đến các cấp xã phường đã được phản ánh rất nhiều ở các cuộc họp tổng kết ngành thời gian qua. Mới đây, thành phố đã có quyết định cho phép thành lập, xây dựng Trung tâm VH-TT ở một số quận, huyện. Khi các trung tâm này đi vào hoạt động, sẽ có quy định biên chế nhân sự phụ trách chuyên môn, việc xin bổ sung nhân sự sẽ được xem xét cụ thể hơn".

Vấn đề nhân sự thể thao ở cơ sở nếu được xem xét, giải quyết, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thể thao phong trào ở các xã- phường, quận- huyện phát triển mạnh mẽ hơn. Đó cũng là nền tảng để phát triển thể thao thành tích cao của địa phương.

Bài, ảnh: AN CHI

Chia sẻ bài viết