26/06/2020 - 19:48

Nhà Trắng "chính trị hóa'' Lầu Năm Góc? 

Nhà Trắng đang muốn “nâng đỡ” các nhân vật trung thành với Tổng thống Donald Trump trong Bộ Quốc phòng giữa lúc quan hệ của vị tổng tư lệnh với giới chức quân đội cấp cao ngày càng căng thẳng.

Tổng thống Trump (phải) không hài lòng với Bộ trưởng Quốc phòng Esper. Ảnh: Getty Images

Theo nguồn tin từ chính quyền, Nhà Trắng đang tăng cường nỗ lực “cài” người vào những vị trí tương đối quan trọng ở Lầu Năm Góc sau khi Tổng thống Trump phàn nàn rằng chưa có bộ trưởng quốc phòng nào thật sự cùng ông “tâm đầu ý hợp”. Tổng thống còn chỉ trích giới chức quân đội đang cố làm suy yếu chính sách đối ngoại mà ông theo đuổi.

Trước những tiết lộ này, giới quan sát dự báo Lầu Năm Góc có thể được tái cơ cấu với những tiếng nói thiên về chính trị, làm xói mòn ảnh hưởng của Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper. Ông Esper từng phản đối ý kiến của Tổng thống Trump dùng quân đội dẹp yên các cuộc biểu tình phản đối cảnh sát sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd. Vị bộ trưởng này cũng mâu thuẫn với Nhà Trắng trong sáng kiến mới thúc đẩy sự đa dạng chủng tộc ở các cấp lãnh đạo Lầu Năm Góc cũng như toàn lực lượng vũ trang.

Theo các nhà phân tích, biến động ở Bộ Quốc phòng cho thấy Nhà Trắng ngày càng quyết đoán nhằm đảm bảo khả năng thực thi những ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Việc lựa chọn ứng viên có mối liên hệ thân thiết với tổng thống cũng nói lên cách tiếp cận cứng rắn trong vấn đề nhân sự. Ðiều này từng được phản ánh qua việc ông Trump đề cử nhiều đồng minh vào nội các và loại bỏ những quan chức bị cho không trung thành sau vụ luận tội năm ngoái.

Bộ Quốc phòng cũng không nằm ngoài phạm vi “thanh lọc” khi Nhà Trắng bỏ qua đề cử Katie Wheelbarger cho chức vụ quan trọng đặc trách lĩnh vực tình báo. Nguyên nhân được tiết lộ là vì bà này ủng hộ Thượng nghị sĩ John McCain - người nổi tiếng phê bình chính sách của Tổng thống Trump. Hồi tháng 3, Nhà Trắng tiếp tục rút lại đề cử Elaine McCusker vào vị trí cấp cao ở Lầu Năm Góc sau thông tin bà từng chất vấn việc Mỹ đình chỉ viện trợ quân sự cho Ukraine - yếu tố then chốt trong cuộc điều tra dẫn tới phiên tòa luận tội ông Trump.

Ðáng nói nhất là vụ Thứ trưởng Quốc phòng John Rood bị yêu cầu từ chức khi ông lên tiếng phản bác Hội đồng An ninh Quốc gia trong vấn đề Ukraine. Sự ra đi của ông Rood mở đường cho hàng loạt ứng viên “thân Nhà Trắng” đảm nhận các vị trí có ảnh hưởng ở Bộ Quốc phòng. Một trong số các đề cử nổi bật và gây tranh cãi hiện nay là việc bổ nhiệm cựu Chuẩn tướng Anthony Tata làm người đứng đầu về chính sách dân sự của Lầu Năm Góc. Ông Tata từng bị chỉ trích vì những bình luận xúc phạm đạo Hồi và gọi cựu Tổng thống Barack Obama là “thủ lĩnh khủng bố”. Ðề cử này đang vấp phải thách thức từ đảng Dân chủ trong khi Lầu Năm Góc cho biết một số nhà lãnh đạo dân sự cấp cao đã tuyên bố từ chức để phản đối sự giám sát từ Nhà Trắng về lòng trung thành.

Bất mãn trước hành động của Nhà Trắng, cựu Thứ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống George W. Bush, Eric Edelman cho biết Lầu Năm Góc không phải nơi để thử nghiệm chính trị. Theo ông, những vị trí chủ chốt của Bộ Quốc phòng nên được bổ nhiệm dựa trên kinh nghiệm và năng lực chuyên môn của ứng viên.

Hôm 25-6, một thẩm phán ở New York đã từ chối ban lệnh cấm xuất bản quyển sách “tiết lộ tất cả” về gia đình ông Trump do chính cháu gái tổng thống chấp bút. Dự kiến xuất bản vào cuối tháng 7, quyển sách thu hút sự chú ý của dư luận với những trích đoạn mô tả ông Trump là “người đàn ông nguy hiểm nhất thế giới”.

MAI QUYÊN (Theo Washington Post)

Chia sẻ bài viết