28/03/2024 - 23:30

Người nổi tiếng sẽ hết “hồn nhiên” quảng cáo sai sự thật

Với những nội dung trong dự thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, nhiều người nổi tiếng sẽ không còn "hồn nhiên", "ngây thơ", nói rằng mình không biết, khi tham gia quảng cáo sai sự thật.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo và tổ chức lấy ý kiến đóng góp. Theo dự thảo, Luật quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Cụ thể, ở các khoản bổ sung Ðiều 15a vào sau Ðiều 15, Luật quy định người chuyển tải sản phẩm quảng cáo được thực hiện quảng cáo theo hợp đồng dịch vụ quảng cáo đã ký kết; kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo của tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cần quảng cáo; cung cấp tài liệu liên quan đến sản phẩm quảng cáo khi người tiếp nhận quảng cáo hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu; chịu trách nhiệm trực tiếp về nội dung quảng cáo liên quan đến tính năng, chất lượng, công dụng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo…

Ðặc biệt, dự thảo còn bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 điều 36, trong đó nhấn mạnh hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng. Cụ thể, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng là người có ảnh hưởng theo quy định tại Luật Bảo vệ người tiêu dùng hoặc những người sở hữu tài khoản mạng xã hội trên nền tảng xuyên biên giới có số lượng người theo dõi, đăng ký từ 500.000 người trở lên. Hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo và các quy định khác của pháp luật có liên quan về tính năng, chất lượng hàng hóa dịch vụ khi thực hiện quảng cáo. Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên mạng xã hội khi có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm…

Như vậy, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất bổ sung quy định rất cụ thể về hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng với định nghĩa, quy chuẩn rõ ràng. Ðồng thời, dự thảo có nhiều điều khoản ràng buộc trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng, có thể tóm gọn dễ hiểu là: phải có trách nhiệm với mọi lời mình quảng cáo cho sản phẩm!

Người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật là vấn đề dư luận phản ứng gay gắt thời gian qua. Một cô nghệ sĩ trung niên "đủ thứ bệnh", chỉ cần uống một loại sữa thì trăm bệnh tiêu tan. Một anh nghệ sĩ không ngần ngại kể về hàng loạt triệu chứng "phái mạnh nhưng yếu" của mình và chỉ cần những loại thực phẩm chức năng đã "ông uống bà khen"… Và còn rất nhiều trường hợp quảng cáo trái khoáy, họ lợi dụng tầm ảnh hưởng, sự nổi tiếng của bản thân để ba hoa trên những video quảng cáo. Như thế đồng nghĩa, họ đang lợi dụng, trục lợi trên chính lòng tin, tình thương mà người hâm mộ dành cho họ. Nhưng điều đáng nói hơn ở chỗ, khi báo chí và dư luận phản ứng, 10 người kêu oan như 1, thanh minh rằng họ không biết gì, bị lợi dụng, không lường hậu quả… Có 101 lý do đưa ra nhưng không lý do nào là từ sự vô trách nhiệm và vô tâm của họ. Những quy định pháp lý cũng chưa thật chặt chẽ để xử lý những hành vi này thật nghiêm.

Với dự thảo đang lấy ý kiến, một khi được Quốc hội thông qua và được cụ thể hóa bằng các quy phạm pháp luật dưới Luật, người nổi tiếng bắt buộc phải thận trọng, trách nhiệm hơn khi tham gia quảng cáo sản phẩm.

DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết