14/07/2024 - 08:37

Người Iran muốn trở lại con đường cải cách 

Bất chấp xu hướng cứng rắn thống trị trên chính trường Iran, ứng viên theo đường lối cải cách Masoud Pezeshkian đã bất ngờ giành thắng lợi trong cuộc bầu tổng thống vừa qua và điều này nói lên mong muốn cải cách của đa số người dân Iran. Ông Pezeshkian được dự đoán sẽ tiếp tục chính sách "Hướng Ðông" bên cạnh nỗ lực hàn gắn quan hệ với phương Tây nhằm đưa Tehran "thoát khỏi tình trạng cô lập". Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi chương trình nghị sự vừa tuân thủ các chính sách bảo thủ về quân sự và đối ngoại vừa đáp ứng nhu cầu cải thiện kinh tế.

Tổng thống đắc cử Masoud Pezeshkian. Ảnh: Getty Images

Lễ nhậm chức của tân tổng thống Iran dự kiến diễn ra vào ngày 5-8, sau đó ông Pezeshkian có 15 ngày để trình danh sách nội các lên Quốc hội.

Lần gần nhất ông Pezeshkian ra tranh cử tổng thống Iran là vào năm 2021, sau đó vị bác sĩ phẫu thuật tim và nhóm của ông đã bị cấm tham gia các chiến dịch vận động bầu cử. Lần này, với chiến thắng của "phe ôn hòa" trước các trường phái bảo thủ, giới quan sát cho biết sự kiện đánh dấu những thay đổi chính trị quan trọng có thể làm sống lại động lực lưỡng cực giữa những người bảo thủ và phe cải cách/ôn hòa trong chính trường Iran. Ðây còn là dấu hiệu Iran đang muốn có một lựa chọn "an toàn" giữa thời điểm căng thẳng với phương Tây leo thang. Ðặc biệt, trước kết quả khó đoán của cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11, ông Pezeshkian với quan điểm "không chống phương Tây hay bài phương Ðông" được tin là người phù hợp nhất giúp Tehran tranh thủ cơ hội giữa những rạn nứt trong chính sách của Mỹ và châu Âu một khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng.

Trở thành tổng thống theo chủ nghĩa cải cách thứ hai trong lịch sử nước Cộng hòa Hồi giáo (sau cựu Tổng thống Hassan Rouhani), ông Pezeshkian ngoài hứa hẹn phục hồi nền kinh tế trì trệ còn quyết tâm thiết lập chính sách can dự quốc tế, thúc đẩy chính sách đối ngoại thực dụng, ủng hộ nới lỏng quan hệ với phương Tây và hướng tới việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Trong bối cảnh tình hình Trung Ðông ngày càng phức tạp, giới phân tích cho rằng quan điểm ít đối đầu hơn trong chính sách đối nội lẫn đối ngoại của ông Pezeshkian phần lớn sẽ được các nhà lãnh đạo thế giới ủng hộ, tăng cơ hội các bên đạt được đột phá ngoại giao. Dưới thời cựu Tổng thống Rouhani, Iran đã đạt được thỏa thuận hạt nhân với phương Tây.

Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt sẽ thúc đẩy nền kinh tế Iran và ổn định tình hình trong nước. Tuy nhiên, Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei kêu gọi tân tổng thống tiếp tục các chính sách theo đường lối bảo thủ của cố Tổng thống Ebrahim Raisi. Trước đó, ông Khamenei đã chỉ trích những ý tưởng của ông Pezeshkian về việc để ngỏ khả năng đàm phán với phương Tây. Ðiều đó cho thấy ông Pezeshkian có thể gặp khó trong nỗ lực làm dịu lập trường với Mỹ và theo đuổi các chính sách cải cách khác.

Trong đánh giá chung, giới phân tích cho biết đường lối chính sách đối ngoại của Iran trở nên cứng rắn hơn trong những năm gần đây và xu hướng đó có thể sẽ tiếp tục dưới thời ông Pezeshkian. Tuy nhiên, tổng thống là nhà ngoại giao cấp cao nhất của Iran và Bộ ngoại giao vẫn có thể giúp định hình và thúc đẩy chính sách thông qua hoạt động vận động hành lang chính trị bí mật. Mặc dù quan điểm chính trị của ông Pezeshkian khác biệt đáng kể so với những người cánh hữu theo chủ nghĩa dân tộc, nhưng ông có kinh nghiệm nhiều năm trong quốc hội và khả năng liên hệ với nhiều người Iran thuộc tầng lớp trung lưu, vốn có thể đóng vai trò trung gian cho các thỏa thuận. Dựa vào điều này, giới quan sát vẫn đặt kỳ vọng vào những thay đổi tiềm tàng trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Pezeshkian, bao gồm làm hồi sinh các cuộc tranh luận giữa phe ôn hòa và những người bảo thủ về các vấn đề quan trọng như quyền phụ nữ, tự do truyền thông xã hội, đàm phán hạt nhân và các quy định tài chính quốc tế.

Sau khi đắc cử tổng thống, ông Masoud Pezeshkian đã gửi thông điệp với tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho lực lượng Hezbollah và các lực lượng dân quân khác được Tehran hậu thuẫn trong khu vực. Ông đánh giá cao vai trò của các phong trào kháng chiến tại khu vực trong việc "chống lại chính sách tội phạm và hiếu chiến của Israel".

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết