19/12/2010 - 11:04

Người gác cổng đầy quyền lực!

Bộ trưởng Jairam Ramesh phát biểu tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về chống biến đổi khí hậu tại Cancun (Mexico) hồi đầu tháng 12. Ảnh: AP 

Trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài và giới tài phiệt Ấn Độ xem lợi nhuận là trên hết cũng như trong mắt những chính trị gia chỉ muốn thu hút thật nhiều dự án đầu tư nước ngoài mà không màng gì đến môi trường, Bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp Jairam Ramesh đúng là kẻ phá bĩnh, cản trở sự phát triển. Nhiều người gọi ông là “Tiến sĩ nói không với sự phát triển”. Họ còn đồn thổi chuyện ông sẽ bị hất cẳng khỏi nội các chỉ còn là vấn đề thời gian. Ông đã làm gì nên nỗi?

Chỉ sau 18 tháng ngồi ghế Bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp, ông đã biến cơ quan một thời bị coi là có cũng được mà không có cũng chẳng sao này trở thành người gác cổng đầy quyền lực trên bước đường Ấn Độ vươn tới thịnh vượng. Chính ông đã yêu cầu Thủ hiến bang Rajasthan tạm ngưng 40 giấy phép khai thác mỏ mới cấp gần khu bảo tồn thiên nhiên Sariska, bác đề nghị mở rộng nhà máy tinh luyện nhôm và xây dựng nhà máy điện ở bang Orissa, nói “không” với gần một chục dự án khai thác mỏ than ở miền Trung Ấn Độ, lắc đầu với dự án khai thác quặng bô-xít cũng như đình chỉ dự án xây đập nước ở miền Bắc để tăng lượng nước dẫn về Thủ đô New Delhi... Phần lớn những dự án này đều do nước ngoài đầu tư và có giá trị từ vài tỉ đến hàng chục tỉ đô-la Mỹ.

Chưa hết, Bộ trưởng Ramesh còn “treo” dự án xây dựng sân bay thứ hai ở Mumbai, yêu cầu xem lại dự án khu đô thị rộng gần 5.000 hécta ở ngoại ô Mumbai, và gọi những chiếc ô tô sang trọng mà giới tay to mặt bự nước này chạy bằng diesel do nhà nước trợ giá là tội phạm hình sự. Mới đây, ông đã gây hấn với tập đoàn thép Posco của Hàn Quốc khi đề xuất với chính phủ thu hồi giấy phép đầu tư dự án trị giá 12 tỉ USD của Posco sau khi kết quả điều tra cho thấy nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Ấn Độ từ trước đến nay đã vi phạm luật môi trường và điều khoản tái định cư cho dân địa phương. Chưa kể, tháng trước ông đã đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới (sau Úc và New Zealand) lập tòa án môi trường để đưa những công ty công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra trước vành móng ngựa mà theo ước tính không dưới 5.000 vụ.

Tuy nhiều người không ưa Ramesh nhưng cũng có không ít người ủng hộ việc làm của nhà lãnh đạo ăn ngay nói thẳng này. Bởi những quyết định khiến giới đầu tư trong và nước ngoài phật ý của ông đều nhằm mục đích bảo vệ môi trường và diện tích rừng, bảo tồn sự đa dạng sinh học, qua đó đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế cũng như sức khỏe và cuộc sống của người dân, đặc biệt là người dân nông thôn vẫn chưa thoát nghèo. Bộ trưởng Ramesh chỉ ra rằng sau 2 thập niên tăng trưởng ấn tượng, Ấn Độ đang có nguy cơ trở thành nạn nhân của chính thành công về phát triển kinh tế của mình. Hiện nay, quốc gia Nam Á này phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ 3 thế giới (sau Mỹ và Trung Quốc) với những dòng sông mà theo mô tả của Ngân hàng Thế giới chẳng khác nào những ống cống hôi hám, trong khi nhiều thành phố thì bị liệt vào danh sách những đô thị ô nhiễm nhất hành tinh.

Theo Bộ trưởng Ramesh, hiện nay nhiều người Ấn Độ, đặc biệt là tầng lớp trung thượng lưu, vẫn khăng khăng với quan niệm “Phát triển bây giờ, làm sạch (môi trường) sau này”. “Chúng tôi không thể lặp lại sai lầm của những nước khác”, ông Ramesh nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn hãng tin AP của Mỹ mới đây. Nhiệm vụ của ông là giúp Ấn Độ phát triển đúng hướng bằng cách thực thi nghiêm luật môi trường vốn lâu nay bị xem nhẹ. Nhà lãnh đạo 56 tuổi này cho rằng ông không đi ngược với xu thế phát triển cũng như không chống các dự án đầu tư nước ngoài trị giá nhiều tỉ USD, nhưng phải đảm bảo các nhà đầu tư tuân thủ luật về bảo vệ môi trường. Ông tin rằng các nhà đầu tư chân chính sẽ không quay lưng với đất nước đề cao luật pháp và bảo vệ môi trường như Ấn Độ.

Vậy cộng đồng quốc tế nhìn nhận như thế nào về chuyên gia bảo vệ môi trường của Ấn Độ? Theo AP, trước khi ông trở thành lãnh đạo Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Ấn Độ, trong mắt các nước, quốc gia đông dân thứ 3 trên thế giới là kẻ cố chấp trong các cuộc đàm phán về chống biến đổi khí hậu toàn cầu khi cho rằng cắt giảm khí thải là mục tiêu của các nước phát triển chứ không phải của các nước đang phát triển. Tuy nhiên, khi Bộ trưởng Ramesh đại diện Ấn Độ tham dự Hội nghị Liên Hiệp Quốc về chống biến đổi khí hậu tại Copenhagen (Đan Mạch) năm ngoái và tại Hội nghị ở Cancun (Mexico) mới đây, Ấn Độ đã thay đổi hình ảnh từ một nước gần như đứng bên lề trở thành nhà đàm phán trung gian giữa các nước đang phát triển và phát triển. Ông được lãnh đạo các nước Mỹ, Đức, Mexico... khen ngợi đã có công trong việc nỗ lực rút ngắn những cách biệt giữa hai khối này cũng như góp phần phá vỡ thế bế tắc giữa Trung Quốc và Mỹ xung quanh việc tính toán lượng khí thải mà hai “đại gia” này phải cắt giảm. Ông cũng được hội nghị hoan nghênh khi cho rằng Ấn Độ nên cam kết cắt giảm lượng khí thải và tất cả các nước đang phát triển cũng nên như vậy.

CHÂU MAI (Theo AP, WSJ, Timesofindia)

Chia sẻ bài viết