Hôm nay 23-12, người dân Thái Lan đi bỏ phiếu bầu Quốc hội, khôi phục nền dân chủ sau 15 tháng giới quân sự nắm quyền. Trong cuộc đua giành 480 ghế tại Quốc hội, hai chính đảng lớn nhất là Dân chủ (DP) và Sức mạnh Nhân dân (PPP) đang cạnh tranh quyết liệt để giành quyền thành lập chính phủ mới. Tuy nhiên, đối với nhiều người Thái, việc ai giành thắng lợi trong cuộc bầu cử lần này không quan trọng bằng vấn đề làm thế nào để khôi phục kinh tế đất nước.
|
Những người ủng hộ ông Abhisit Vejjajiva tuần hành ở Bangkok hôm 21-12. Ảnh: Reuters |
Được đào tạo tại Đại học Oxford (Anh) danh tiếng, ông Abhisit Vejjajiva, 43 tuổi, ứng viên thủ tướng của DP cam kết đưa đất nước đi theo hướng dân chủ và tập trung vào các chính sách an sinh xã hội như giáo dục và năng lượng. Về trường hợp của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, ông Abhisit chủ trương đưa ra xét xử với các cáo buộc tham nhũng và lạm quyền. Trong khi đó, vốn là đồng minh của ông Thaksin, ông Samak Sundaravej, 72 tuổi, ứng viên của PPP, tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách của vị thủ tướng bị lật đổ và ân xá cho 111 thành viên của đảng Thai Rak Thai (tiền thân của PPP), hiện bị cấm hoạt động chính trị tại Thái Lan. Ông Samak là chính khách dày dạn kinh nghiệm, từng 3 lần giữ chức phó thủ tướng giai đoạn 1992-1997. Kết quả khảo sát mới đây của Daily News, tờ báo lớn thứ 2 Thái Lan, cho thấy PPP có thể giành khoảng 190 ghế ở Quốc hội và DP giành được khoảng 125 ghế, kế đó là đảng Chart Thai khoảng 60 ghế. Tuy nhiên, lợi thế của DP là dễ dàng liên minh với các đảng khác để thành lập chính phủ hơn so với PPP.
Trong khi đó, người dân Thái dường như không quan tâm nhiều đến các kết quả thăm dò. “Miễn là chính phủ mới biết cách quản lý kinh tế, thế là được. Quân đội không hiểu về kinh doanh, họ không thể can thiệp vào chính quyền lần nữa”, Pornchai Nittiwongsuk, một tiểu thương 38 tuổi buôn bán hàng may mặc ở trung tâm Bangkok, nói.
Các nhà đầu tư cũng kỳ vọng cuộc bầu cử này sẽ đem đến sự thay đổi cho nền kinh tế Thái Lan. Sau cuộc đảo chính hồi tháng 9-2006, họ từng tin rằng những bất ổn chính trị sẽ được giải quyết sau vài tháng. Thế nhưng, một năm sau cuộc đảo chính, 65 triệu người Thái rơi vào tình trạng chia rẽ hơn bao giờ hết giữa phe ủng hộ và phe chống đối ông Thaksin. Chính quyền lâm thời thì lúng túng trong việc giải quyết các cáo buộc tham nhũng và lạm quyền của vị cựu thủ tướng này. Nền kinh tế trị giá 206 tỉ USD của Thái Lan gặp khó khăn trước sức ép của những biến động trên thị trường như đồng baht tăng giá so với USD, giá dầu cao kỷ lục và đầu tư nước ngoài sụt giảm mạnh (xuất khẩu chiếm tới 60% giá trị nền kinh tế nước này). Những sai lầm trong chính sách quản lý dẫn đến sự trì trệ của nền kinh tế với mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm nay dự kiến chỉ đạt 4,2%, thấp nhất trong 5 năm qua. Chỉ số tiêu dùng và niềm tin kinh doanh cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2002.
N.MINH (Theo Guardian, Bloomberg, Bangkokpost)