21/12/2014 - 17:03

Ngược dòng ngoạn mục

Tuần rồi kinh tế nước Nga trải qua nhiều biến động. Đó là việc đồng rúp tiếp tục suy yếu, mất giá hơn 40% kể từ đầu năm khiến Ngân hàng Trung ương phải tăng lãi suất từ 10,5% lên 17%. Bên cạnh đó là việc giá dầu không ngừng lao dốc xuống mức trên dưới 60USD/thùng, tức chỉ nhỉnh hơn phân nửa so với cách đây 6 tháng. Nguồn thu từ dầu đóng góp 50% ngân sách và chiếm 80% nguồn thu ngoại tệ của Nga nên tác động của lần biến động này là rất lớn. Trong khi đó, phương Tây lại siết chặt các lệnh cấm vận chống Mát-xcơ-va liên quan cuộc khủng hoảng Ukraina.

Tuy nhiên cũng trong tuần rồi, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin chẳng những không giảm mà lại tăng, lên tới hơn 80%. Nhiều người khi được hỏi trả lời đơn giản rằng họ không nghĩ ông là một phần của những khó khăn hiện nay, mà là một phần của giải pháp. Cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Govbachev dù thường xuyên chỉ trích ông chủ Điện Kremlin nhưng vẫn thừa nhận: “Tôi hoàn toàn bị thuyết phục rằng Putin sẽ bảo vệ lợi ích của nước Nga tốt hơn bất cứ ai”.

Theo Interfax hôm 16-12, chính trị gia 62 tuổi đã lần thứ 15 liên tiếp được người dân xứ bạch dương bầu chọn là “Người đàn ông của năm”. Như vậy kể từ khi trở thành thủ tướng cuối năm 1999 đến nay, danh hiệu này bị ông Putin “độc chiếm”. Trong cuộc bầu chọn năm nay, ông giành được tới 68% số phiếu ủng hộ trong khi người về nhì chỉ có 4%. Ở quy mô quốc tế, Tổng thống Putin hồi tháng 11 đã được tạp chí Forbes danh tiếng của Mỹ năm thứ hai liên tiếp xếp đứng đầu danh sách những nhân vật quyền lực nhất hành tinh, dù cũng trong tháng đó ông bị lãnh đạo nhiều cường quốc chỉ trích và cô lập tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Úc.

Dù đã lội ngược dòng một cách ngoạn mục trong các cuộc thăm dò, bầu chọn gần đây nhưng thực tế là trước mắt Tổng thống Putin còn rất nhiều khó khăn cần phải vượt qua nếu muốn duy trì sự tín nhiệm của cử tri. Dự báo nếu giá dầu tiếp tục ở mức như hiện nay, kinh tế Nga sẽ tăng trưởng âm 4,7% vào năm tới. Và chính ông Putin trong cuộc họp báo cuối năm cũng không loại trừ kịch bản “vàng đen” chỉ còn 40 USD/thùng (ước tính ngân sách Nga mất 2 tỉ USD khi giá dầu giảm 1 USD/thùng). Trong khi đó, Financial Post cho biết gần đây Nga đã chi 87 tỉ USD, tương đương 17% tổng dự trữ ngoại hối quốc gia, để cứu đồng nội tệ nhưng hiệu quả không đáng kể. Belarus, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mát-xcơ-va và nằm trong Liên minh Hải quan cùng với Nga và Kazakhstan, hôm thứ sáu đã quyết định ngừng giao dịch bằng đồng rúp trong buôn bán với nước láng giềng này, theo Newsweek. Chưa hết, dù nói thế nào đi nữa cũng không thể phủ nhận các lệnh trừng phạt theo kiểu “đánh hội đồng” của phương Tây sẽ là gánh nặng đối với nền kinh tế vốn đang rất yếu ớt của Nga.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết