22/10/2014 - 21:23

Ngoại giao y tế

Trong khi cộng đồng quốc tế đang bị chỉ trích “giậm chân tại chỗ” trong cuộc chiến chống dịch bệnh Ebola, những đóng góp của Cuba không chỉ nhận được sự đánh giá cao của các tổ chức nhân đạo mà còn từ giới chính trị gia và cơ quan truyền thông Mỹ.

Theo Thời báo New York, Havana cùng một số tổ chức phi chính phủ khác đã cử đội ngũ chuyên gia đến vùng tâm dịch. Phát biểu trước các nhà ngoại giao tại Thủ đô Washington, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong động thái hiếm hoi cũng lên tiếng tán dương vai trò “ấn tượng” của Cuba. Tính đến thời điểm hiện tại, Havana đã điều 165 nhân viên y tế đến Sierra Leone và cam kết sẽ gửi hơn 200 người nữa đến Liberia và Guinea.

Trước đó trong hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp với đại diện của 12 quốc gia Mỹ La-tinh và vùng Caribe diễn ra tại Thủ đô Havana hôm 20-10, Chủ tịch Cuba Raul Castro đã kêu gọi các bên nên cố tránh chính trị hóa vấn đề mà sao nhãng mục tiêu cơ bản là chung tay ngăn chặn dịch bệnh tiếp tục bùng phát ở châu Phi và nguy cơ lây lan sang các khu vực khác. Đặc biệt trong cử chỉ mang tính hòa giải với chính phủ Mỹ, ông Castro khẳng định Havana sẵn sàng gạt bỏ bất đồng để hợp tác với Mỹ nhằm đối phó đại dịch nguy hiểm này.

Đáp lại, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 21-10 cho biết Washington hoan nghênh cơ hội hợp tác với tất cả các thành viên của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Cuba trong nỗ lực chống lại Ebola trên toàn cầu.

Theo giới quan sát, Cuba hiện là một trong những nước có vai trò nổi bật nhất trong cuộc chiến chống lại đại dịch Ebola đang hoành hành tại vùng Tây Phi. Và như nhận định của giới truyền thông, phản ứng tích cực của quốc gia đông dân nhất vùng Caribe trước căn bệnh chết người này còn có thể mang đến cơ hội giúp cải thiện quan hệ giữa Washington và Havana.

MAI QUYÊN (Theo AFP, CNN)

MAI QUYÊN (Theo AFP, CNN)

Chia sẻ bài viết