27/02/2008 - 09:59

Ngoại giao âm nhạc

Buổi hòa nhạc tại Bình Nhưỡng hôm 26-2. Ảnh: BBC

Nhận lời mời của Bộ Văn hóa và Hiệp hội trao đổi nghệ thuật CHDCND Triều Tiên, hôm qua, 26-2, dàn nhạc giao hưởng New York của Mỹ có buổi biểu diễn cùng các đồng nghiệp từ dàn nhạc giao hưởng quốc gia CHDCND Triều Tiên tại Nhà hát lớn Đông Bình Nhưỡng. Buổi hòa nhạc được truyền hình trực tiếp, mở đầu bằng quốc ca của hai nước, tiếp theo là các giai điệu nổi tiếng như bản giao hưởng số 9 của Antonin Dvorak, “An American in Paris” của George Gershwin, bài dân ca của Bắc Triều Tiên “Ariang”... Trong số khán giả có nhiều quan chức cấp cao của nước chủ nhà. Được thành lập năm 1842, New York Philharmonic là dàn nhạc giao hưởng lâu đời nhất nước Mỹ và từng biểu diễn ở 58 quốc gia trên thế giới.

Để có buổi giao lưu văn hóa này, CHDCND Triều Tiên quyết định “phá lệ”, cho phép gần 300 người Mỹ gồm các nhạc sĩ, nhà báo... có mặt ở Bình Nhưỡng trong vòng 48 giờ. Thậm chí, những áp phích chống Mỹ trên đường phố cũng được tạm thời gỡ xuống. Đây là lần đầu tiên xuất hiện nhiều người Mỹ như vậy ở Bình Nhưỡng kể từ khi quân đội Mỹ bị buộc phải rút xuống dưới vĩ tuyến 38 trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Phát biểu trước chuyến thăm, Zarin Mehta, giám đốc điều hành New York Philharmonic, cho biết: “Chuyến đi này cho thấy sức mạnh âm nhạc liên kết mọi người với nhau. Chúng tôi hy vọng buổi hòa nhạc sẽ góp phần mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa hai dân tộc”. Trong khi đó, trưởng phái đoàn đàm phán hạt nhân của Mỹ Christopher Hill nói rằng sự kiện này cho thấy cách nhìn của CHDCND Triều Tiên đối với Mỹ bắt đầu thay đổi, có thể giúp ích cho các cuộc đàm phán ve chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng đang bị đình trệ. Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice tuy hoan nghênh chuyến lưu diễn của New York Philharmonic nhưng không tin sẽ có bước đột phá ngoại giao nào.

Các dàn nhạc giao hưởng Mỹ được xem là “chuyên gia phá băng” ở những quốc gia thù địch về chính trị với Washington. Giáo sư sử học Jonathan Rosenberg thuộc Đại học New York (Mỹ) nhận xét: “Washington muốn chiến thắng cuộc Chiến tranh lạnh bằng đàn vĩ cầm và kèn trôm-pét”. Chẳng hạn, năm 1956, dàn nhạc giao hưởng Boston thực hiện chuyến lưu diễn đầu tiên ở Liên Xô (cũ). Ba năm sau, New York Philharmonic cũng đến đây và từ đó các nhạc sĩ Liên Xô bắt đầu biểu diễn rộng rãi ở Mỹ. Năm 1972, tức 1 năm sau cuộc “ngoại giao bóng bàn” nổi tiếng giữa Trung Quốc và Mỹ, dàn nhạc Philadelphia cũng góp phần cải thiện quan hệ giữa hai nước khi trở thành dàn nhạc đầu tiên của Mỹ biểu diễn tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh.

• T.H (Theo BBC, AFP)

Chia sẻ bài viết