Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm 6-12 đã trở thành nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên tới Nga gặp Tổng thống Vladimir Putin kể từ khi Mát-xcơ-va sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraina hồi tháng 3 năm nay. Theo lời Tổng thống Hollande thì máy bay chở ông đang trên đường từ Kazakhstan về nước và khi ở trên bầu trời Mát-xcơ-va, ông nảy ra ý định đáp xuống phi trường Vnukovo để gặp ông Putin thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraina. Vài giờ trước đó, ông đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại với người đồng cấp Ukraina Petro Poroshenko.
Trong cuộc gặp kéo dài 2 giờ ngay tại sân bay, ông Hollande bày tỏ hy vọng sẽ ngăn không để chia rẽ Đông-Tây xung quanh vấn đề Ukraina trầm trọng hơn nữa. Về phần mình, Tổng thống Putin thừa nhận còn một số “khó khăn” nhưng khẳng định chuyến thăm của ông Hollande “chắc chắn đóng góp vào giải pháp của nhiều vấn đề”. Tổng thống Hollande sau đó vui mừng cho biết sẽ lập tức thông báo nội dung cuộc thảo luận với ông Putin cho ông Poroshenko và Thủ tướng Đức Angela Merkel, đồng thời tự tin nói rằng “cuộc gặp được tổ chức vào thời điểm may mắn, trong bối cảnh thuận lợi và đương nhiên sẽ mang lại kết quả trong vài ngày tới” .
Không chỉ đối với cuộc khủng hoảng Ukraina mà trong nhiều vấn đề quốc tế khác, ông Hollande đều rất sốt sắng. Chẳng hạn như hồi cuối tháng 11 vừa qua, ông là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên bất chấp hiểm nguy tới thăm Guinea, một trong những quốc gia đang bị virus Ebola hoành hành. Pháp cũng tỏ ra có trách nhiệm và hào phóng khi đóng góp tới 100 triệu euro cho cuộc chiến chống đại dịch này.
Trước đó nữa, hồi hạ tuần tháng 9, ông Hollande cũng trở thành nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên tiếp xúc Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Trong cuộc gặp bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại Mỹ, hai bên không chỉ bàn về chương trình hạt nhân của Tehran mà còn thảo luận tình hình Syrie, Iraq...
Có thể nói trên mặt trận đối ngoại, ông Hollande với nhiều cái “đầu tiên” như vậy đã góp phần củng cố hình ảnh nước Pháp trên trường quốc tế. Tuy nhiên về đối nội, thành tích điều hành kinh tế của ông lại quá nghèo nàn. Trong đó đáng lưu ý là tỷ lệ thất nghiệp chẳng những không giảm như cam kết mà lại tăng, lên tới 10,4% trong quý 3 so với 10,1% hồi quý 2. Hiện Pháp có tới 3,46 triệu người không có việc làm, và mới đây ông Hollande tuyên bố sẽ không ra tranh cử nhiệm kỳ hai vào năm 2017 nếu thất nghiệp tiếp tục tràn lan. Tỷ lệ ủng hộ ông gần đây chỉ còn 13%, thấp nhất trong lịch sử nước Pháp hiện đại.
Có lẽ Tổng thống Hollande cần tập trung nhiều hơn cho đối nội bởi trong giai đoạn khó khăn hiện nay, điều người dân đất nước hình lục giác quan tâm nhất là công ăn việc làm chứ không phải những chuyến công du triền miên của lãnh đạo.
QUỐC KHÁNH