24/11/2016 - 14:37

Nghị sĩ EU kêu gọi đình chỉ đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ

Sau cảnh báo của Thổ Nhĩ Kỳ rằng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) không phải là lựa chọn duy nhất của Ankara, phe đa số trong Nghị viện châu Âu (EP) hôm 22-11 đã kêu gọi bỏ phiếu "đóng băng" tiến trình đàm phán gia nhập EU với Thổ Nhĩ Kỳ do quan ngại các sự kiện chính trị tại quốc gia này.

Trong một tuyên bố, lãnh đạo đảng trung hữu Nhân dân châu Âu (EPP) Manfred Weber thẳng thừng cho biết nhóm lớn nhất trong EP ủng hộ việc đình chỉ mọi hoạt động đàm phán gia nhập EU trước nay với Thổ Nhĩ Kỳ. Chủ tịch nhóm Xã hội và Dân chủ (nhóm lớn thứ hai trong EP) Gianni Pittella nói thêm rằng việc "đóng băng" tiến trình đàm phán là do "không hội đủ điều kiện" để tiến hành. Ông Pittella cho biết quyết định của EU là thông điệp chính trị gởi đến chính quyền Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, rằng nhân quyền, dân quyền, dân chủ là không thể thương lượng nếu Ankara muốn gia nhập EU, qua đó kêu gọi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt hoạt động trấn áp kể từ sau cuộc đảo chính bất thành ngày 15-7.

Các thành viên của Nghị viện châu Âu tham dự cuộc họp ở Strasbourg hôm 22-11. Ảnh: AFP

Tính đến hiện tại, đã có hơn 110.000 người ở Thổ Nhĩ Kỳ - bao gồm binh sĩ, học giả, thẩm phán, các nhà báo và lãnh đạo người Kurd bị đình chỉ chức vụ. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng bắt giữ 36.000 trường hợp và đóng cửa một số cơ quan truyền thông bị cáo buộc có liên quan vụ binh biến. Hồi tháng rồi, Tổng thống Erdogan còn cho biết Chính phủ sẽ đề nghị Quốc hội xem xét áp dụng trở lại án tử hình nhằm trừng phạt những đối tượng đứng sau vụ đảo chính bất thành kể trên.

Hiện Áo và Luxembourg là hai quốc gia chủ trương kêu gọi đình chỉ các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ trong khi Đức, Pháp và hầu hết các quốc gia EU khác đều ủng hộ nên tiếp tục. Nhưng tất cả các quốc gia thành viên đồng ý sẽ chấm dứt đàm phán nếu Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ khôi phục hình phạt tử hình.

Theo giới quan sát, việc đình chỉ đàm phán có thể khoét sâu thêm rạn nứt trong mối quan hệ giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy không phải thành viên EU, nhưng Ankara vẫn là đồng minh của phương Tây với tư cách là quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hôm 22-11, cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini cảnh báo quyết định ngăn chặn tiến trình gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bất lợi cho cả hai. "Tôi nghĩ cách tốt nhất để củng cố nền dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ là phải cùng tham gia và duy trì các kênh đối thoại với Ankara" – đại diện EU nhấn mạnh. Trong khi đó, lãnh đạo nhóm lớn thứ ba trong EP - đảng Bảo thủ châu Âu và cải cách (ECR) Syed Kamall kêu gọi EU nên tập trung vào việc thiết lập quan hệ đối tác mới và trung thực hơn với Thổ Nhĩ Kỳ thay vì cố gây áp lực lên chính quyền Tổng thống Erdogan.

Được biết, Thổ Nhĩ Kỳ chính thức đề nghị gia nhập EU từ năm 1987. Song, các cuộc đàm phán chỉ bắt đầu vào năm 2005 và được đẩy nhanh từ tháng 3 năm nay. Đây là một phần trong thỏa thuận về người tị nạn ký kết giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm cắt giảm dòng người di cư vào Hy Lạp, đổi lấy việc Ankara nhận được nguồn viện trợ và miễn thị thực đi lại cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng thỏa thuận về tị nạn đang gần như đổ vỡ trong khi hy vọng được kết nạp vào EU của Ankara cũng đang ở mức thấp nhất sau khi Brussels kịch liệt chỉ trích chiến dịch trấn áp của chính quyền Tổng thống Erdogan, đồng thời đôn đốc Ankara tuân thủ các quy tắc về tư pháp và các quyền tự do.

Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích EU không chia sẻ với nước này trước tình hình nghiêm trọng sau cuộc đảo chính hồi tháng 7, đồng thời tố EU không giữ lời hứa và đề nghị khối này nên từ bỏ chính sách "tiêu chuẩn kép". Hồi tuần rồi, Tổng thống Erdogan còn cảnh báo EU từ đây đến cuối năm nên có quyết định về tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc ông sẽ chấm dứt đàm phán đồng thời "bóng gió" sẽ dựa vào ý nguyện của người dân bằng cách tổ chức trưng cầu dân ý để định đoạt việc này.

Theo lời Tổng thống Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không nhất thiết gia nhập EU bằng mọi giá, thay vào đó nước này có thể tham gia tổ chức Hợp tác Thượng Hải do Trung Quốc và Nga dẫn đầu. Trước tuyên bố này, Trung Quốc cho biết Bắc Kinh rất coi trọng ý định của Tổng thống Erdogan và sẵn sàng hợp tác với Ankara.

MAI QUYÊN (Theo AFP, Reuters, Euractiv)

Chia sẻ bài viết