Hãng tin Anh Reuters hôm 10-11 dẫn một bản dự thảo cho biết, Nga muốn Chính phủ Syria và phe đối lập đồng ý tiến hành một tiến trình cải cách hiến pháp của nước này kéo dài trong vòng 18 tháng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tiếp Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại Điện Kremlin hôm 20-10. Ảnh: Reuters
Theo Reuters, dự thảo gồm 8 điểm được Mát-xcơ-va dự kiến đưa ra trong cuộc đàm phán quốc tế về Syria trong tuần này tại Vienna (Áo) không loại trừ khả năng Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ tham gia cuộc bầu cử mà các lực lượng chống đối ông từng cho là "bất khả thi" để có thể đạt được nền hòa bình ở Syria. "Tổng thống dân cử tại Syria sẽ đóng vai trò như là một tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, kiểm soát các lực lượng đặc nhiệm và thực thi các chính sách đối ngoại" - bản dự thảo nêu rõ.
Ngoài ra, bản dự thảo cũng nhấn mạnh, các phe phái tại Syria cần phải thống nhất các bước cơ bản tại cuộc họp sắp tới do Liên Hiệp Quốc điều hành, đồng thời nêu rõ tiến trình cải cách nhất thiết không phải do ông al-Assad thực thi mà có thể là một ứng cử viên được các bên chấp thuận. Cũng theo bản dự thảo, phe đối lập Syria nếu muốn tham gia tiến tình cải cách chính trị tại quốc gia Trung Đông này phải "thành lập một phái đoàn chung" và phải được chấp thuận từ trước. "Họ cần phải thống nhất mục tiêu là ngăn cản các lực lượng khủng bố lên nắm quyền tại Syria và đảm bảo chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị của Syria cũng như đảm bảo tính dân chủ của đất nước" - dự thảo nhấn mạnh.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngay lập tức bác bỏ rằng Mát-xcơ-va không chuẩn bị bất kỳ văn kiện nào để đưa ra trong cuộc đàm phán quốc tế về Syria trong tuần này. Bà Zakharova cho rằng thông tin trên hoàn toàn không đúng với thực tế. Theo bà Zakharova, tại cuộc gặp sắp tới ở Vienna, Nga sẽ chỉ tập trung vào 2 vấn đề chính, đó là hệ thống lại cũng như xác định phe phái nào là khủng bố tại Syria và khu vực, cùng với việc thiết lập một danh sách những người đại diện cho phe đối lập Syria có thể tham gia đàm phán với Damascus.
Theo Reuters, bản đề xuất trên cũng ngay lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nước phương Tây. Ngoại trưởng Anh Philip Hammond tỏ ra hoài nghi bản đề xuất của Mát-xcơ-va. Nhà ngoại giao xứ sương mù không cho rằng các nhóm đối lập tại Syria cần tham gia tiến trình chính trị tại nước này và điều cần làm là đạt được một bản thỏa thuận ngừng bắn. Một số nhà ngoại giao phương Tây cho rằng sẽ rất khó cho các quốc gia vốn muốn ông al-Assad từ bỏ quyền lực đồng thuận về bản đề xuất của Nga, nếu đúng là do Mát-xcơ-va soạn thảo, do nó "không phù hợp với đa số người dân Syria".
Trong một diễn biến có liên quan, Reuters cùng ngày dẫn lời phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thảo luận về cuộc khủng hoảng tại Syria với các đồng minh của Washington tại Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dự kiến sẽ được tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần tới.
TRÍ VĂN (Theo Reuters)