18/05/2022 - 07:47

New Zealand cảnh giác trước Trung Quốc 

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

Thay cho thái độ ôn hòa lâu nay, quan điểm của New Zealand đang trở nên cứng rắn khi có chung tiếng nói với các đồng minh về sự can dự an ninh của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.

Thủ tướng New Zealand Ardern trong cuộc gặp trước đây cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Giữa tháng 4, Quần đảo Solomon xác nhận ký hiệp ước an ninh với Trung Quốc. Thông tin chi tiết về thỏa thuận cuối cùng chưa được công bố, nhưng hai nước khẳng định hiệp ước không làm suy yếu hòa bình khu vực. Tuy nhiên, Mỹ và Úc coi đây là bước đi mới nhất của Bắc Kinh trong cuộc đấu giành ảnh hưởng ở Thái Bình Dương mà kết quả có thể là sự xuất hiện của căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở khu vực được coi là “sân sau” của Canberra, tạo ra “các nguy cơ nghiêm trọng đối với một Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

Mỹ và Úc đã nhanh chóng cử các phái đoàn ngoại giao tới Solomon với hy vọng ngăn chặn thỏa thuận. Ngay cả New Zealand, quốc gia thường tránh chỉ trích Bắc Kinh, cũng đặc biệt quan tâm hiệp ước và kêu gọi Quần đảo Solomon đưa vấn đề ra thảo luận tại Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương. “Ðiều thực sự đang thay đổi xung quanh là mức độ quyết đoán và hiếu chiến mà chúng ta thấy trong khu vực” - Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern quan ngại.

Theo tổ chức phi chính phủ Pacific Cooperation Foundation (PCF), New Zealand có nền tảng quan hệ tương đối tốt với Bắc Kinh, trái ngược căng thẳng giữa Úc và Trung Quốc. Hồi năm ngoái, New Zealand còn khiến các chuyên gia nghi ngờ về cam kết của họ đối với liên minh tình báo “Ngũ Nhãn” sau vụ Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta lên tiếng về sự “không thoải mái” trước việc các thành viên Mỹ, Anh, Úc và Canada mở rộng vai trò của liên minh. Wellington cũng bị chỉ trích khi quyết định không ký các tuyên bố chung của nhóm nhằm lên án các động thái của Trung Quốc, bao gồm vấn đề Hong Kong cùng nguồn gốc của đại dịch COVID-19.

Trong một phát biểu đầu tháng này, điều phối viên khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương của Nhà Trắng Kurt Campbell nói rằng việc New Zealand từng đánh giá thấp các rủi ro an ninh không còn là vấn đề. Bởi họ dường như đã cảm nhận được những thách thức mà khu vực phải đối mặt và tác động của nó trên toàn cầu. Trong đó, chuyên gia Anna Powles thuộc Ðại học Massey (New Zealand) cho rằng tuyên bố của bà Ardern vừa rồi là tín hiệu rõ ràng về việc Wellington chia sẻ mối quan ngại của Mỹ và Úc về sự can dự của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Nó cũng gửi thông điệp tới các bên thứ 3, rằng New Zealand ủng hộ các sáng kiến an ninh tập thể ở Thái Bình Dương và việc ứng phó với khủng hoảng cũng sẽ do khu vực quản lý. “Chính sách đối ngoại của New Zealand ở Thái Bình Dương đang phát triển và thay đổi, từ không tham gia đến giờ là tham vấn và dần trở thành một phần của quá trình đó” - Giám đốc chương trình David Vaeafe của PCF nhận định.

Củng cố “quyền lực mềm”

Là quốc gia nhỏ và năng lực quân sự hạn chế, giới phân tích cho rằng “quyền lực mềm” của New Zealand ở Thái Bình Dương lại phát huy rõ hơn các đồng minh, dựa trên sự thân thiện trong mối quan hệ gắn kết về văn hóa, thương mại, thể thao với các vùng lãnh thổ trong khu vực. Ðể tăng cường hơn nữa ảnh hưởng trong khu vực, Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand đã bổ sung thêm kinh phí cho ngân sách hợp tác phát triển Thái Bình Dương giai đoạn 2021-2024, tăng từ 75 triệu USD lên 1,55 tỉ USD. Hồi đầu tháng 5, nước này còn đóng góp xây dựng nhà máy chế biến cá ngừ cho Quần đảo Solomon, dự kiến ​​tạo ra hơn 5.500 việc làm. Trước đó, Ngoại trưởng Mahuta đã đến thăm Fiji và ký một thỏa thuận cung cấp thông tin về các thách thức an ninh.

Về quốc phòng, New Zealand trước nay có quan hệ khá chặt chẽ với Mỹ và Úc. Gần đây, nước này bắt đầu mở rộng hợp tác với Nhật Bản trong các lĩnh vực chính trị, quốc phòng và an ninh; bên cạnh thương mại và tăng trưởng kinh tế. Hai bên cũng khởi động các cuộc đàm phán chính thức hướng tới hiệp ước chia sẻ thông tin nhằm thúc đẩy sự tham gia tích cực hơn vào các vấn đề an ninh quốc tế trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với “những thách thức chưa từng có” từ cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine.

Chia sẻ bài viết