22/10/2012 - 14:45

Nền hòa bình bị đe dọa

Hiện trường sau vụ đánh bom xe hơi ngày 19-10 tại Thủ đô Beirut. Ảnh: AFP

Trước sức ép của phe đối lập, Thủ tướng Liban Najib Mikati đã đệ đơn xin từ chức, nhưng được Tổng thống Michel Suleiman yêu cầu tiếp tục điều hành đất nước cho đến khi các phe phái chính trị đàm phán thành lập "một chính phủ đồng thuận" mới. Các nhà phân tích cho rằng nhiều khả năng quốc gia Trung Đông này sẽ phải tổ chức tổng tuyển cử sớm do các mâu thuẫn chính trị khó giải quyết ổn thỏa.

Diễn biến trên là hệ quả của vụ đánh bom kinh hoàng bằng xe hơi hôm 19-10 ngay tại trung tâm Thủ đô Beirut làm 8 người chết, trong đó có Chuẩn tướng Wissam al-Hassan, Giám đốc tình báo của Lực lượng An ninh Nội địa Liban đầy quyền lực. Al-Hassan là điều tra viên chủ chốt của Tòa án Đặc biệt vì Liban, cơ quan đã cáo buộc một số thành viên Hezbollah dính líu đến âm mưu đánh bom sát hại cố Thủ tướng thân phương Tây Rafiq Hariri năm 2005. Chính ông này hồi tháng 8-2012 cũng góp công phát hiện cựu Bộ trưởng Thông tin Michel Samaha có kế hoạch đưa chất nổ từ Syrie về Liban để hỗ trợ chiến dịch đánh bom gây hỗn loạn đất nước. Thủ tướng Mikati cũng nhận định vụ đánh bom vừa qua có thể có liên quan đến kế hoạch đó.

Tuy nhiên, dư luận khu vực và quốc tế đang đặt câu hỏi cái chết của ông al-Hassan sẽ có lợi cho ai? Vụ đánh bom sát hại cố Thủ tướng Hariri năm 2005 đã khiến Syrie phải rút quân khỏi Liban trước sức ép của quốc tế, đồng thời đưa con trai ông là Saad Hariri lên nắm quyền. Vụ tấn công mới sẽ khiến uy tín của Thủ tướng Mikati, vốn được phong trào Hezbollah chiếm đa số trong Quốc hội Liban ủng hộ, bị giảm sụt mạnh, tạo cơ hội cho các đảng phái đàm phán thành lập chính phủ lâm thời và tiến hành bầu cử trước thời hạn. Cuộc bầu cử mới trong thời điểm mất an ninh hiện nay có thể sẽ gây bất lợi cho Hezbollah, phong trào Hồi giáo dòng Shiite được coi là đồng minh của Syrie, nhưng đây lại là thời cơ dành cho liên minh "14 tháng Ba" của người Hồi giáo Sunni dưới sự lãnh đạo của cựu Thủ tướng Saad Hariri được phương Tây hậu thuẫn.

Cả Hezbollah và Syrie đã lên tiếng phủ nhận mọi cáo buộc cho rằng mình đứng đằng sau vụ đánh bom sát hại Chuẩn tướng al-Hassan và có thể đây lại là một vụ án phức tạp, nhiều nghi vấn và gây tranh cãi không có hồi kết nữa tại Liban. Có điều, theo tờ Le Figaro của Pháp, nếu các phe phái chính trị không bình tĩnh, khéo léo xử lý vấn đề thì nền hòa bình ở đất nước từng trải qua hàng thập niên nội chiến này sẽ bị đe dọa.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết