Trong bài phát biểu quan trọng đầu tiên trên cương vị Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO), ông Mark Rutte đã nhấn mạnh nhu cầu cấp bách phải tăng chi tiêu quốc phòng và sản xuất vũ khí trong bối cảnh an ninh ngày càng bất ổn.
Tổng Thư ký NATO Mark Rutte. Ảnh: AP
Lời cảnh báo nghiêm túc
“Ðã đến lúc chuyển sang tư duy thời chiến. Nga đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu lâu dài với Ukraine và chúng ta”, ông Rutte nhấn mạnh tại một sự kiện ở Brussels, Bỉ hôm 12-12. Tổng Thư ký NATO đã liệt kê các hành động của Nga, bao gồm tấn công Gruzia năm 2008, sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine năm 2022.
Cựu Thủ tướng Hà Lan cho biết Nga có thể tăng ngân sách quốc phòng lên tới 7-8% GDP vào năm tới, nhiều hơn bất kỳ quốc gia NATO nào. Mát-xcơ-va còn nhận được sự ủng hộ của các đồng minh như Trung Quốc, Iran và CHDCND Triều Tiên.
Phát biểu trên được đưa ra chỉ hơn 2 tháng sau khi ông Rutte nhậm chức Tổng Thư ký của khối quân sự này. Kể từ đó, ông đã đến thăm 32 quốc gia thành viên, bao gồm Mỹ để gặp Tổng thống đắc cử Donald Trump.
NATO do Mỹ dẫn dắt là bên ủng hộ nhiệt thành của Ukraine và đã giúp phần lớn các nước thành viên chuyển vũ khí, đạn dược cho Kiev. Nhưng việc ông Trump trở lại Nhà Trắng cùng với cam kết chấm dứt chiến tranh nhanh chóng đã làm dấy lên lo ngại về một lệnh ngừng bắn bất lợi cho Ukraine. Theo ông Rutte, một thỏa thuận tệ có nghĩa Nga sẽ giành chiến thắng và điều đó để lại hậu quả trên toàn thế giới, không chỉ đối với châu Âu và Ukraine.
Cựu Tổng thống Trump thường phàn nàn các đồng minh của Mỹ trong NATO không chi đủ cho quốc phòng và cáo buộc họ lợi dụng quân đội hùng mạnh của Washington. Nhiều quốc gia đã không hoàn thành cam kết của NATO là chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.
Tuy nhiên, chi tiêu quốc phòng đã tăng mạnh ở châu Âu. 11 quốc gia đã đáp ứng hoặc vượt mục tiêu trên vào năm ngoái và NATO thông báo 23 nước thành viên dự kiến sẽ dành 2% GDP cho quốc phòng trong năm 2024. Dù vậy, ông Rutte đề nghị nâng cao mức này.
Có sự đồng thuận ngày càng tăng trong NATO rằng mục tiêu 2% hiện nay là không đủ để thực hiện các kế hoạch phòng thủ khu vực và đáp ứng các mục tiêu năng lực của khối. Tờ Politico dẫn các báo cáo tiết lộ NATO sẽ đặt mục tiêu chi tiêu mới là 3% GDP đến năm 2030. Hồi đầu thập niên 1980, trước khi Liên Xô sụp đổ, các thành viên châu Âu của NATO đã dành trung bình 3,8% GDP cho quốc phòng.
Áp lực từ ông Trump
Tuy nhiên, ông Trump vẫn để ngỏ các lựa chọn của mình khi đề cập đến cam kết của Mỹ đối với NATO liên quan mức chi tiêu quân sự.
Trong cuộc phỏng vấn trên chương trình “Meet the Press” của đài NBC phát sóng ngày 8-12, ông Trump đã định hình vấn đề này như một câu hỏi mở mà sẽ phụ thuộc vào những gì các đồng minh thực hiện trong nhiệm kỳ thứ hai của ông. “Nếu họ thanh toán các hóa đơn và đối xử công bằng với chúng tôi, thì chắc chắn tôi sẽ ở lại NATO. Ngược lại, tôi sẽ cân nhắc rút Mỹ khỏi liên minh”, vị tổng thống đắc cử thứ 47 của Mỹ nêu rõ.
Cùng với việc ông Trump dọa sẽ sẵn sàng cắt giảm viện trợ quân sự cho Ukraine, các nước NATO và Kiev đang đối mặt với 2 nỗi lo.
Cuối tuần qua, mặc dù hơn một tháng nữa mới nhậm chức, ông Trump đã thúc giục Tổng thống Nga Vladimir Putin hành động để đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức với Ukraine. Ông Trump mô tả đây là một phần trong những nỗ lực tích cực của ông với tư cách tổng thống đắc cử nhằm chấm dứt chiến tranh.
Chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Mỹ Joe Biden và những bên ủng hộ Ukraine đã cố tình không gây sức ép để Kiev đạt thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức. Phe này lo ngại một thỏa thuận chóng vánh sẽ chủ yếu dựa trên các điều khoản của Nga, có khả năng khiến Ukraine phải nhượng bộ theo hướng thiệt thòi và cho phép nước láng giềng nối lại chiến tranh khi đã củng cố sức mạnh quân sự.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Time ngày 12-12, ông Trump cho biết ông “rất không đồng tình” việc Ukraine bắn tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp vào sâu trong lãnh thổ Nga, bởi điều này chỉ làm cho cuộc chiến tồi tệ hơn. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu ông có từ bỏ Ukraine hay không, ông Trump nói: “Tôi muốn đạt được thỏa thuận và cách duy nhất để đạt thỏa thuận là không từ bỏ”. Tuyên bố này được chú ý khi ông Trump vừa có cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris hôm 7-12.
HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)