* NATO bất đồng xung quanh các thương vụ vũ khí với Nga
|
NATO sẽ thay thế các máy bay chiến đấu cũ kỹ bằng máy bay tiêm kích tàng hình tối tân F-35 của Mỹ. Ảnh: Guardian |
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ đang có kế hoạch nâng cấp kho vũ khí hạt nhân chiến lược của họ ở châu Âu, một sáng kiến mà các chuyên gia quân sự cho là “tốn kém và không cần thiết”, cũng như có thể làm gia tăng căng thẳng với Nga.
NATO hiện sở hữu 180 quả bom hạt nhân chiến lược B61 tại châu Âu, được cất giữ ở Bỉ, Hà Lan, Ý, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ. Loại bom này không có hệ thống dẫn đường và được xem là lỗi thời, “không có mục đích hay giá trị quân sự thực thụ”. Chính vì vậy, Mỹ dự định chi 4 tỉ USD để thay thế chúng bằng loại bom hạt nhân có hệ thống dẫn đường chính xác - theo báo cáo của Mạng lưới lãnh đạo châu Âu (ELN), một nhóm cố vấn quân sự cấp cao bao gồm các cựu bộ trưởng quốc phòng Anh như Lord Des Browne và Malcolm Rifkind. Báo cáo “Escalation by Default?: the Future of NATO Nuclear Weapons in Europe” (tạm dịch: Tương lai vũ khí hạt nhân của NATO tại châu Âu: Sự leo thang sai lầm?) cũng cho biết để chuyên chở loại bom mới, NATO cũng sẽ thay loại máy bay chiến đấu cũ kỹ bằng máy bay tiêm kích tàng hình tối tân F-35 do hãng Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất, trị giá tới 100 triệu USD mỗi chiếc.
Báo Guardian của Anh dẫn lời Giám đốc điều hành ELN, Ian Kearns, nhận định: “Kế hoạch nâng cấp kho vũ khí hạt nhân chiến lược của NATO tại châu Âu sẽ là đắt đỏ và không cần thiết. Các nước NATO vẫn an toàn mà không cần nâng cao tiềm lực hạt nhân và nên tập trung vào việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân chiến lược khỏi châu Âu, chứ không phải hiện đại hóa chúng”. Báo cáo, được soạn thảo bởi Ted Seay - cựu cố vấn kiểm soát vũ khí của Mỹ tại trụ sở của NATO, kết luận động thái leo thang trang bị vũ khí hạt nhân trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và NATO đang bất đồng xung quanh kế hoạch lá chắn tên lửa ở Đông Âu sẽ chỉ tổn hại đến an ninh cũng như an toàn của cả châu Âu trong tương lai, và đó là điều nên tránh.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 10-5, một báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) cho biết các thành viên NATO đang lo lắng các hợp đồng buôn bán vũ khí trị giá nhiều tỉ USD cho Nga của Pháp, Đức và Ý có thể gây mất ổn định an ninh trong khu vực. Báo cáo cho biết Pháp đã đồng ý bán 4 “siêu tàu chiến” lớp Mistral cho Nga mà CRS mô tả là “thương vụ vũ khí lớn chưa từng có giữa một thành viên NATO với Nga”. Được biết, “siêu tàu chiến” Mistral có khả năng chở đến 16 trực thăng, 4 máy bay chiến đấu, 13 xe tăng, hàng trăm binh lính và một bệnh viện 69 giường. Theo hợp đồng được Nga và Pháp ký kết hồi tháng 6 năm ngoái, Nga sẽ trả 1,47 tỉ USD cho 2 tàu chiến đầu tiên và Tập đoàn công nghiệp quốc phòng hải quân DCNS của Pháp sẽ bàn giao chiếc tàu đầu tiên vào năm 2014. Tháng 11-2011, Tập đoàn quốc phòng Rheinmetall của Đức đã ký một thỏa thuận với Bộ Quốc phòng Nga để xây dựng một trung tâm huấn luyện quân sự hiện đại nhất thế giới tại vùng Volga của Nga. Tương tự, Ý cũng đã đạt được thỏa thuận bán hàng chục chiếc xe bọc thép đa dụng cho Bộ Quốc phòng Nga.
Trong khi các nước thành viên NATO cho rằng các hợp đồng vũ khí này có thể dẫn đến sự bất ổn trong khu vực, giới phân tích và ngoại giao lại nhận định các thương vụ này không đại diện cho một mối nguy quân sự từ phía Nga. “Giới chức Pháp, Đức và Ý nhấn mạnh các vụ buôn bán vũ khí gần đây với Nga nên được xem là một bước đi hợp lý hướng tới mục tiêu xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với Nga”- báo cáo của CRS cho biết.
THANH TRÚC
(Theo Guardian, AFP, Reuters)