17/11/2010 - 08:43

NATO chuẩn bị cho bước ngoặt mới

Các quan chức quốc phòng NATO họp tại Brussels hồi tháng 10. Ảnh: Reuters

Vài ngày nữa, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ khai mạc tại Thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha. Các quan chức NATO tuyên bố rằng đây sẽ là hội nghị quan trọng nhất của liên minh quân sự hai bờ Đại Tây Dương trong vòng một thập niên qua, nếu không muốn nói là quan trọng nhất kể từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc.

Theo kế hoạch, các cuộc họp cấp cao của NATO sẽ bắt đầu khai diễn vào ngày 19-11 tới. Tại các cuộc gặp lần này, NATO sẽ xem xét thông qua đề cương chiến lược an ninh dài hạn mới, thay thế cương lĩnh hành động cũ năm 1999. Mục tiêu của chiến lược mới là thúc đẩy cải cách và nâng cao hiệu quả của NATO trong bối cảnh môi trường an ninh chính trị quốc tế đang thay đổi với những thách thức lớn như chủ nghĩa khủng bố và cực đoan, tên lửa, chiến tranh mạng, tin tặc, cướp biển. Chiến lược mới của NATO chủ trương mở rộng vai trò hợp tác và đảm bảo an ninh trên quy mô toàn cầu trong việc đối với thảm họa thiên nhiên, can thiệp các cuộc khủng hoảng địa chính trị đầy bất ngờ... Cho nên, có thể nói rằng một “NATO mới” đang chuẩn ra đời.

Thế nhưng, tham vọng là một chuyện, còn đạt được mục đích hay không là chuyện khác. Nhiều quốc gia thành viên NATO hiện nay, đặc biệt là tại châu Âu, đang phải “thắt hầu bao” trên hầu hết các lĩnh vực, kể cả an ninh và quốc phòng, nhằm đối phó với nguy cơ khủng hoảng tài chính và tình trạng kinh tế trì trệ kéo dài. Nhiều đồng minh châu Âu của Mỹ đã công khai kế hoạch cắt giảm chi phí quân sự và một số có ý định rút quân khỏi chiến trường Afghanistan.

Trước tình hình đó, NATO đang tính tới kế hoạch chuyển giao quyền quản lý an ninh cho chính phủ Afghanistan ngay từ năm 2011 và triệt thoái quân đội ra khỏi “vũng lầy” này vào năm 2014. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, NATO đã đánh tiếng cần sự hợp tác rộng mở hơn từ phía Nga. Hiện nay, Nga chỉ cho phép NATO sử dụng lãnh thổ của mình để vận chuyển một chiều hàng hóa phi quân sự phục vụ chiến trường ở Afghanistan. Trong khi đó, NATO cần sự giúp đỡ của Nga cho trang thiết bị hạng nặng, huấn luyện quân sự, đường tiếp viện nhằm giảm tải hoặc thậm chí thay thế đường tiếp viện thông qua Pakistan vốn nhiều bất ổn về an ninh.

Có thể nói, quan hệ giữa Nga và NATO thời gian gần đây đã được cải thiện đáng kể. Một trong những vấn đề gai góc nhất từng khiến quan hệ hai bên nhiều phen nóng lạnh bất thường là vấn đề phòng thủ tên lửa cũng được Nga và NATO “tiếp cận” một cách nhẹ nhàng. Giới chức Mỹ ngày 15-11 cho biết, nước này và các đồng minh NATO gần đạt được một thỏa thuận nhằm xây dựng lá chắn tên lửa tại châu Âu. Thỏa thuận này có thể được quyết định tại một hội nghị cấp cao của NATO vào ngày 19-11 tới tại Lisbon theo hướng mời cả Nga cùng tham gia. Theo thỏa thuận, một hệ thống lá chắn và radar chống tên lửa của Mỹ, đã lên kế hoạch xây dựng ở Đông Nam châu Âu, sẽ liên kết với hệ thống phòng thủ tên lửa mở rộng của châu Âu để tạo ra một hệ thống rộng lớn bảo vệ tất cả các nước trong khối NATO chống lại các vụ tấn công tên lửa tầm trung.

Trước đó, Mát-xcơ-va cũng đã tuyên bố Nga sẵn sàng hợp tác với NATO về phòng thủ tên lửa. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavov ngày 12-10 khẳng định bên cạnh những đề xuất liên quan đến việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa của các nước hữu quan với sự tham gia của Nga, Mỹ và châu Âu, hiện Nga đã sẵn sàng đưa ra các đề xuất bổ sung. Theo Ngoại trưởng Nga, tại Hội nghị thượng đỉnh sắp tới của NATO ở Lisbon, Tổng thống Dmitry Medvedev sẽ đưa ra quan điểm của Nga về vấn đề này trên cơ sở thiện chí, sẵn sàng hợp tác một cách bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và tính đến lợi ích của nhau.

KIẾN HÒA
(Theo Guardian, AFP và Reuters)

Chia sẻ bài viết