Tại Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC 2024) mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết chi 1 tỉ nhân dân tệ (tương đương 140 triệu USD) để huấn luyện 6.000 quân nhân cùng với 1.000 nhân viên thực thi pháp luật tại châu Phi - động thái mà giới chức quốc phòng Mỹ cho rằng Bắc Kinh đang tăng cường hợp tác quân sự với châu Phi và nhằm giúp Trung Quốc “tăng trưởng kinh tế và đạt lợi ích riêng”.
Cam kết “rõ ràng nhất”
Jana de Kluiver, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu an ninh có trụ sở tại Nam Phi, cho rằng sở dĩ Trung Quốc đưa ra kế hoạch trên là bởi Bắc Kinh đang tìm cách thúc đẩy mối quan hệ lâu dài với những người sẽ trở thành nhân vật cấp cao trong lực lượng quân đội của châu Phi. “6.000 quân nhân được Trung Quốc huấn luyện sau này sẽ trở thành những nhân vật cấp cao hơn tại nước họ, qua đó giúp tăng cường quyền lực mềm của Bắc Kinh trên khắp lục địa” - bà de Kluiver nhận định.
Binh sĩ Trung Quốc giới thiệu vũ khí của nước này cho các đồng nghiệp Tanzania. Ảnh: Armyrecognition
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã hợp tác với châu Phi trong nhiều lĩnh vực an ninh, như tham gia với các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, tổ chức các cuộc tập trận chung hay cung cấp các khóa huấn luyện cho các sĩ quan tại khu vực. Tuy nhiên, kế hoạch chi 140 triệu USD để huấn luyện 6.000 quân nhân tại châu Phi của Bắc Kinh đặc biệt gây chú ý. “Cam kết này là cam kết rõ ràng nhất từ trước đến nay” - Lauren Johnston, phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Sydney (Úc), cho biết.
Trong khi đó, Kelly Cahalan, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ (AFRICOM), thừa nhận rằng Trung Quốc rất giỏi trong việc tạo ra các cơ hội để mở rộng ảnh hưởng tại châu Phi khi được hỏi liệu Bắc Kinh có đang vượt trội hơn Washington về mặt hợp tác an ninh tại lục địa đen hay không. “Tầm nhìn dài hạn của Trung Quốc đối với châu Phi gắn liền với lợi ích kinh tế và tăng trưởng của chính nước này. Trung Quốc là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai tại châu Phi sau Nga, chủ yếu là vũ khí hạng nhẹ, hệ thống tên lửa, đạn dược, tàu hải quân, chiến đấu cơ, xe bộ binh và máy bay không người lái” - ông Cahalan nói thêm.
Châu Phi “đau đầu” lựa chọn
Động thái trên được Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh Mỹ buộc phải rút 1.100 quân khỏi Niger, sau khi chính quyền quân sự Niger yêu cầu Washington đóng cửa căn cứ không quân trị giá 100 triệu USD nhằm chống lại các nhóm cực đoan ở khu vực Sahel. “Cuộc ly hôn” bất ngờ này được giới chuyên gia xem là “đòn giáng” vào tham vọng gây ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Sahel đầy biến động.
Sau khi mất đi đồng minh mạnh nhất khu vực, AFRICOM hiện đang chuyển sang các đối tác mới tiềm năng, mặc dù các lựa chọn của đơn vị này bị hạn chế bởi sự cạnh tranh với Nga khi mà Mát-xcơ-va cũng đang tìm kiếm ảnh hưởng trong khu vực. Theo kênh truyền hình Al Jazeera (Qatar), các quan chức quân sự cấp cao của Mỹ, gồm Tướng Michael Langley, chỉ huy AFRICOM, hồi tháng 4 đã có chuyến thăm một số nước Tây Phi như Benin hay Bờ Biển Ngà để tiến hành các “cuộc đối thoại mang tính xây dựng” với giới lãnh đạo các nước này.
Darren Olivier, giám đốc công ty tư vấn nghiên cứu xung đột African Defense Review, cho rằng động thái này của Trung Quốc khiến các quốc gia châu Phi vốn quen với sự hỗ trợ và huấn luyện quân sự của phương Tây “đau đầu” trong việc cân bằng các lựa chọn. Theo ông Olivier, nếu họ nhận sự huấn luyện quân sự từ Trung Quốc, họ buộc phải “phân chia lực lượng vũ trang thành các đơn vị do các nước phương Tây huấn luyện và các đơn vị do Trung Quốc huấn luyện”, điều này chắc chắn sẽ mang lại nhiều tác động. Song, Tướng Langley cho hay sự lựa chọn nằm ở chính các chính phủ châu Phi. “Khi chúng tôi hợp tác với các đối tác châu Phi, chúng tôi không ép họ phải chọn ai làm đối tác an ninh. Tất cả các hoạt động và cách tiếp cận theo kiểu lấy quan hệ đối tác làm trung tâm của chúng tôi phải do châu Phi dẫn đầu” - ông Langley tuyên bố.
Trong nỗ lực chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và ngăn chặn Bắc Kinh thiết lập sự hiện quân sự tại các quốc gia Trung Phi có vị trí chiến lược, Mỹ đang soạn thảo gói hỗ trợ kinh tế và an ninh cho Gabon. Theo đó, Mỹ có kế hoạch cung cấp các khóa huấn luyện cho lực lượng đặc nhiệm của Gabon và chi 5 triệu USD để hỗ trợ quá trình chuyển đổi dân chủ của quốc gia này. Động thái này của Mỹ được đưa ra giữa lúc Trung Quốc đang có kế hoạch thiết lập một cơ sở huấn luyện quân sự tại quốc gia ven biển Đại Tây Dương này mà giới chức xứ cờ hoa tin rằng có thể đóng vai trò là tiền thân của một căn cứ thường trực.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)