28/02/2020 - 07:16

Mỹ-Trung tranh cãi về đề cử lãnh đạo WIPO 

Công tác đề cử, bổ nhiệm lãnh đạo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) đang trở thành “mặt trận” mới giữa Mỹ-Trung Quốc khi Washington quan ngại ứng viên Bắc Kinh hậu thuẫn sẽ nắm quyền cơ quan của Liên Hiệp Quốc (LHQ) phụ trách về bằng sáng chế, thương hiệu và thiết kế công nghiệp.

Hàng giả bị tịch thu ở biên giới Mỹ chủ yếu nguồn gốc từ Trung Quốc. Ảnh: PBS

Dự kiến đầu tháng 3, ủy ban điều phối của WIPO sẽ tiến hành bỏ phiếu kín để chọn ứng viên thay thế Tổng Giám đốc Francis Gurry. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra vào tháng 5 và tính từ khi thành lập năm 1967, chưa có đề cử nào bị từ chối. Một trong số 6 người đang được cân nhắc có ứng viên đến từ Trung Quốc Weng Binyang.

Cách đây 2 tuần, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Washington đang theo dõi chặt chẽ tiến trình bầu người đứng đầu WIPO để đảm bảo bất cứ ai điều hành tổ chức này đều hiểu tầm quan trọng của thực thi quyền sở hữu trí tuệ (IP) trên toàn cầu. Mỹ và đồng minh phương Tây đã nhiều lần tỏ ra quan ngại cách tiếp cận của Trung Quốc đối với vấn đề IP. Theo đại sứ Mỹ ở văn phòng LHQ tại Geneva (Thụy Sĩ) Andrew Bremberg, các bên đang kỳ vọng một ứng viên đến từ quốc gia có lịch sử bảo vệ IP trong khi Trung Quốc trước giờ không được đánh giá cao về điều này. Thậm chí, đại sứ Bremberg cảnh báo nên thận trọng nếu muốn giao tổ chức như WIPO vào tay một quốc gia “nổi tiếng” về nạn trộm cắp và làm giả IP.

Theo báo cáo gần đây của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, 85% hàng giả bị bắt giữ ở biên giới nước này có xuất xứ từ Trung Quốc. Cố vấn thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Peter Navarro, cho biết hành vi của Trung Quốc trộm cắp IP khiến kinh tế Mỹ thiệt hại 225-600 tỉ USD/năm. Ông Navarro cảnh báo trao quyền kiểm soát WIPO cho ứng viên Trung Quốc sẽ là “sai lầm khủng khiếp”. Đáp lại, đại sứ Trung Quốc ở Geneva Chen Xu tố Mỹ đang muốn biến cuộc bầu chọn của WIPO thành “trò chơi chính trị”. 

Ngoài vấn đề IP, Mỹ hiện còn cảnh báo việc cho phép ứng viên Trung Quốc nắm quyền WIPO sẽ giúp Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng tại LHQ. Theo ông Navarro, Bắc Kinh có thể nuôi tham vọng nắm quyền kiểm soát 15 cơ quan chuyên môn thuộc LHQ khi hiện đã có 4 trong số đó do người Trung Quốc đứng đầu trong khi không có quốc gia nào lãnh đạo nhiều hơn một tổ chức.

MAI QUYÊN (Theo AP)

Chia sẻ bài viết