06/04/2025 - 07:27

Mỹ - Trung đua sức mạnh trên không 

Cuộc đua phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ sáu đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết khi Mỹ tuyên bố sẽ phát triển F-47 trong khi Trung Quốc vừa công bố những hình ảnh được cho là của J-36, máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến nhất của nước này.

Chiến đấu cơ vận hành với UAV

Hôm 21-3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trao hợp đồng trị giá 20 tỉ USD cho tập đoàn chế tạo máy bay Boeing để phát triển F-47, máy bay chiến đấu thế hệ sáu của Không quân Mỹ. Hợp đồng này sẽ chi cho giai đoạn phát triển và sản xuất, gồm việc hoàn thiện, tích hợp và thử nghiệm tất cả các khía cạnh của F-47.

Hình ảnh mô phỏng đầu tiên của tiêm kích F-47. Ảnh: USAF

Chiến đấu cơ này được ông Trump mô tả là sát thủ trên không chưa từng xuất hiện, vượt trội tất cả máy bay hiện có, xét về tính năng, tốc độ, khả năng cơ động và tải trọng, F-47 sẽ dần thay thế máy bay chiến đấu tàng hình F-22 đã hoạt động hơn 20 năm.

“F-47 sẽ là máy bay tiên tiến nhất, có năng lực mạnh nhất và nguy hiểm nhất từng được chế tạo. Một phiên bản thử nghiệm của máy bay này đã bí mật bay trong gần 5 năm qua và chúng tôi tin rằng nó sẽ áp đảo hoàn toàn năng lực của bất kỳ quốc gia nào khác.” - ông Trump nhấn mạnh. Đặc biệt, ông Trump tiết lộ chiến đấu cơ thế hệ mới này sẽ được vận hành cùng với máy bay không người lái (UAV). “Đây là công nghệ mới, nó không tự bay được. Nó bay cùng nhiều UAV, bao nhiêu tùy thích và đó là điều mà không máy bay nào khác có thể làm được”, ông Trump giải thích.

Chiến đấu cơ thế hệ thứ sáu của Mỹ mang con số 47 hàm ý đặt cho ông Trump, vị tổng thống đời thứ 47 của nước Mỹ và là thông điệp báo hiệu nó sẽ được đưa vào vận hành trong nhiệm kỳ này của ông chủ Nhà Trắng.

Về công nghệ và khả năng chiến đấu, F-47 được cho sẽ vượt trội hơn nhiều so với F-22 và F-35. “Máy bay sẽ có khả năng kết hợp cảm biến, khả năng tấn công tầm xa và tàng hình thế hệ mới để đối phó với những đối thủ tinh vi nhất trong môi trường chiến đấu phức tạp” - Tướng David Allvin, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, cho biết. Ngoài ra,  F-47 sẽ có “tầm bay xa hơn đáng kể” và cần ít người triển khai hơn so với chiến đấu cơ thế hệ thứ năm.  Không quân Mỹ tuyên bố máy bay này sẽ “khuất phục đối thủ mạnh nhất và hoạt động trong những môi trường đe dọa nguy hiểm nhất mà bạn có thể tưởng tượng”.

Kế hoạch phát triển F-47 được đưa ra trong bối cảnh Lầu Năm Góc muốn thắt chặt ngân sách sau các khoản chi phí vượt dự kiến trong phát triển F-35. Theo ước tính ban đầu, mỗi chiếc F-47 có giá khoảng 300 triệu USD nhưng hồi năm 2024, cựu Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendal cho biết muốn giữ giá tương đương F-35, tức là khoảng 100 triệu USD/chiếc, tùy vào biến thể.

Biểu tượng cuộc đua vũ trang công nghệ

Kế hoạch phát triển F-47 được Mỹ công bố chỉ 3 tháng sau chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu hay còn được gọi là J-36 của Trung Quốc. William Freer, nhà nghiên cứu về an ninh quốc gia tại Hội đồng Địa chiến lược (Anh) cho rằng đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. “Lịch sử đã chứng minh rằng sự cạnh tranh ngang hàng là động lực lớn để Mỹ tập hợp sức mạnh công nghệ và tài chính để vượt qua các đối thủ. Dù bằng cách nào, J-36 và F-47 đều mang tính biểu tượng cho cách Trung Quốc và Mỹ đang tiến lên trong cuộc chạy đua vũ trang công nghệ” - ông Freer nhận định.

Các hình ảnh và video về chuyến bay thử nghiệm lần thứ ba của J-36 được lan truyền trên mạng xã hội hôm 25-3 cho thấy thiết kế của J-36 nổi bật với cánh tam giác rộng, cho phép máy bay cơ động với tốc độ cao, duy trì sự ổn định trong các thao tác phức tạp. Ngoài ra, diện tích bề mặt lớn của cánh tam giác tạo ra lực nâng đáng kể, cho phép máy bay hoạt động tốt ở tốc độ thấp hơn, chẳng hạn như trong quá trình cất cánh, hạ cánh hoặc các nhiệm vụ trinh sát, tuần tra. Đáng chú ý, chiến đấu cơ do Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Thành Đô phát triển này có thiết kế “không đuôi” đặc trưng, cần thiết để tăng cường khả năng tàng hình. Ước tính, J-36 dài từ 20-26 mét, được thiết kế kết hợp giữa máy bay chiến đấu và máy bay ném bom, có thể mang theo vũ khí hạng nặng, chẳng hạn như tên lửa tầm xa hoặc bom dẫn đường chính xác.

Trong vòng 1 thập niên qua, ngành hàng không vũ trụ của Trung Quốc nói chung đã vượt qua Nga để trở thành đối thủ cạnh tranh chính của Mỹ. Trong đó, giới phân tích cho rằng chiến đấu cơ J-20 thế hệ thứ năm của Bắc Kinh vượt trội hơn so với “đồng cấp” Su-57 của Nga. J-20 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2011 và chính thức được Không quân Trung Quốc đưa vào sử dụng từ năm 2017. 

Jacob Parakilas, trưởng nhóm nghiên cứu về chiến lược, chính sách và năng lực quốc phòng tại chi nhánh châu Âu của Rand Corporation, cho biết J-36 là một máy bay “khá lớn” và được trang bị 3 động cơ, cung cấp cho chiến đấu cơ này lực đẩy đặc biệt, có khả năng đạt tốc độ cao hơn, mang lại hiệu quả trong các nhiệm vụ tấn công tầm xa. Nhờ sở hữu kích thước lớn, J-36 có thể chứa nhiều nhiên liệu và bay xa hơn, đồng thời mang theo vũ khí lớn hơn có thể gây ra nhiều thiệt hại cho mục tiêu ở xa hơn và vận chuyển nhiều thành viên phi hành đoàn hơn. Song, chính vì điều này khiến cho J-36 trở thành một chiến đấu cơ “ngốn” quá nhiều tiền để chế tạo và vận hành hơn, trong khi làm giảm khả năng cơ động, có thể khiến kẻ thù dễ dàng phát hiện và nhắm mục tiêu hơn.

Theo Justin Bronk, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh, J-36 sẽ chứng tỏ vai trò quan trọng trong các khu vực chiến đấu, nơi chiến tranh điện tử có thể gây nhiễu máy bay không người lái. Ông Bronk cho rằng J-36 có thể giúp Trung Quốc bảo vệ không phận và tấn công các mục tiêu của kẻ thù trên khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tờ The Strategist thậm chí còn cho rằng J-36 đại diện cho “một bước tiến đáng kể trong công nghệ hàng không”.

Theo thống kê của World Atlas, Mỹ sở hữu lượng chiến đấu cơ nhiều nhất thế giới với 13.209 chiếc, trong khi Nga và Trung Quốc sở hữu lần lượt 4.255 chiếc và 3.304 chiếc.

 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết