28/05/2020 - 19:32

Mỹ-Trung căng thẳng vì Hong Kong 

Hai siêu cường lại tiếp tục “đụng độ”, lần này là về vấn đề Hong Kong sau khi Trung Quốc ngày 28-5 phản đối yêu cầu của Mỹ đưa việc Bắc Kinh muốn áp luật an ninh quốc gia mới lên đặc khu này ra cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ).

Xác nhận của ông Pompeo về tình trạng Hong Kong có thể mở đường cho việc trừng phạt Trung Quốc. Ảnh: CQ Roll Call

Trong một tuyên bố, phái đoàn Mỹ tại LHQ khẳng định đây là vấn đề quan trọng mang tính cấp bách liên quan hòa bình và an ninh quốc tế; do đó cần đảm bảo sự quan tâm của hội đồng 15 nước thành viên. Trên Twitter, đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân thẳng thừng bác bỏ yêu cầu “vô lý” từ Washington; đồng thời khẳng định dự luật an ninh quốc gia mới ở Hong Kong là vấn đề nội bộ.

Việc Bắc Kinh ngăn cuộc họp của LHQ về Hong Kong cùng với “sự che đậy, sai lầm” trong đại dịch COVID-19, liên tục vi phạm các cam kết nhân quyền và đẩy mạnh hành vi phi pháp ở Biển Đông rõ ràng cho thấy Trung Quốc không hành xử có trách nhiệm trên tư cách quốc gia thành viên LHQ- trích cáo buộc từ Mỹ. Đáp lại, đại sứ Trương tố Washington mới là “kẻ gây rối”, rằng Mỹ nên chấm dứt lạm dụng quyền lực chính trị và hành vi bắt nạt.

Tước bỏ quy chế đặc biệt?

Màn “đấu khẩu” giữa các đại sứ diễn ra trong bối cảnh mâu thuẫn Mỹ-Trung về thương mại, cạnh tranh công nghệ, COVID-19 vẫn chưa giải quyết và có xu hướng leo thang khi hai bên tiếp tục tranh cãi về tình hình Hong Kong. Báo cáo với Quốc hội Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng dự luật an ninh mới mà Bắc Kinh định áp đặt có nguy cơ làm suy yếu “quyền tự trị và tự do” của Hong Kong. Qua đây, ông Pompeo xác định vùng lãnh thổ này không còn đủ điều kiện hưởng cơ chế đặc biệt theo luật pháp Mỹ.

Tuyên bố trên có thể có tác động tới vị thế trung tâm tài chính thế giới của Hong Kong và đương nhiên chọc giận Bắc Kinh. Hong Kong được cấp quy chế thương mại đặc biệt theo Đạo luật chính sách Mỹ-Hong Kong năm 1992, tiếp tục được đối đãi như “vùng lãnh thổ tách biệt” với Trung Quốc đại lục về  kinh tế và thương mại. Nhưng sau khi đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong được phê duyệt năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ phải xác nhận ít nhất mỗi năm một lần về việc Hong Kong có đủ tự trị về mặt chính trị (trong quan hệ với Trung Quốc đại lục) để tiếp tục hưởng ưu đãi hay không. Nếu Ngoại trưởng Mỹ không xác nhận, quốc hội có thể thu hồi quy chế đặc biệt dành cho đặc khu hành chính này.

Đạo luật cũng cho phép Tổng thống Mỹ Donald Trump trừng phạt các lực lượng làm suy yếu quyền tự do cơ bản và tự trị ở Hong Kong. Một số nguồn tin tiết lộ Washington đang cân nhắc một loạt hành động “khắc nghiệt nhất” nhắm vào Trung Quốc, nhưng chưa rõ ông Trump có sẵn sàng tước bỏ quy chế đặc biệt trao cho Hong Kong. Thực tế, Washington và Hong Kong vốn có mối quan hệ chặt chẽ về thương mại-tài chính. Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ ước tính tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giữa Mỹ và Hong Kong năm 2018 là hơn 66 tỉ USD. Bên cạnh đó là 1.300 công ty Mỹ đang hoạt động ở Hong Kong, hưởng lợi nhờ vị trí nằm sát Trung Quốc đại lục cũng như hệ thống tư pháp độc lập của đặc khu này.

Theo chuyên gia Natasha Kassam tại Viện Lowy, tước đặc quyền thương mại của Hong Kong chỉ có thể thực hiện một lần nhưng không chắc đem lại hiệu quả. Tuy căng thẳng với Trung Quốc ngày càng leo thang, nhưng giới quan sát cho rằng Tổng thống Trump cũng không mặn mà lắm trước những biện pháp gây tổn hại thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh.

Nhưng dưới sức ép từ nhiều tiếng nói chống Trung Quốc tại quốc hội, các nhà phân tích dự đoán Nhà Trắng có thể bắt đầu từ những bước nhỏ nhằm tránh hậu quả kinh tế, chẳng hạn như trừng phạt các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đại lục liên quan việc thực thi dự luật an ninh gây tranh cãi. Hàng rào thuế quan cùng hạn chế thương mại Mỹ đang áp dụng với Trung Quốc cũng có thể lặp lại với Hong Kong. Ngoài trừng phạt kinh tế, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương David Stilwell cho biết Washington có thể siết quy chế thị thực, đóng băng tài sản. Tuy vậy, chính quyền sẽ tính toán giảm thiểu tác động lên người dân Hong Kong và doanh nghiệp Mỹ tại đây.

Trung Quốc thông qua nghị quyết luật an ninh Hong Kong

Quốc hội Trung Quốc ngày  28-5 đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết xây dựng luật an ninh Hong Kong.

Nghị quyết được Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC), tức Quốc hội Trung Quốc, thông qua với 2.878 phiếu thuận, một phiếu chống và 6 phiếu trắng trong phiên bế mạc kỳ họp thường niên ở Bắc Kinh. Nghị quyết có tên gọi chính thức là “Nghị quyết NPC về thiết lập, cải thiện hệ thống pháp luật và cơ chế thực thi cho Đặc khu hành chính Hong Kong để bảo đảm an ninh”.

Ủy ban Thường vụ NPC hiện được ủy quyền soạn thảo điều luật chi tiết. Dự luật có thể được ban hành trong vài tuần tới mà không cần thông qua Hội đồng Lập pháp của Hong Kong.

Luật an ninh mới sẽ cấm các hành vi và hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố và can thiệp nước ngoài ở đặc khu. Luật cũng có thể cho phép các cơ quan an ninh và tình báo Trung Quốc thiết lập cơ sở tại Hong Kong.

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết