TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Bộ Ngoại giao Mỹ trong một báo cáo hôm 28-9 cho biết, Bắc Kinh đang thao túng các phương tiện truyền thông thông qua kiểm duyệt, thu thập dữ liệu và bí mật mua các hãng tin nước ngoài.

Giao diện trang chủ tờ Thời báo Hoàn Cầu (trái) và Trung hoa Nhật báo của Trung Quốc. Ảnh: Guardian
Theo báo cáo, Trung Quốc mỗi năm chi hàng tỉ USD cho nỗ lực thao túng thông tin, gồm cả việc mua cổ phần của các phương tiện truyền thông nước ngoài, tài trợ cho những người có ảnh hưởng trên các nền tảng mạng xã hội... Ðơn cử, Tập đoàn Ðầu tư Trung Quốc gần đây đã mua 7% cổ phần của Eutelsat, nhà điều hành vệ tinh của Pháp chuyên cung cấp vùng phủ sóng trên toàn bộ lục địa châu Âu, Trung Ðông, châu Phi, châu Á, châu Mỹ, và đang sử dụng khoản đầu tư này để thúc đẩy tuyên truyền ở các khu vực như châu Phi bằng cách phát sóng các chương trình do Trung Quốc sản xuất.
Riêng tại một số nước Ðông Phi, Chính phủ Trung Quốc còn đạt được thỏa thuận với một số tờ báo địa phương với điều kiện các tờ báo này phải đồng ý rằng “các bài báo được Trung Quốc trả phí sẽ không có liên hệ trực tiếp nào với Trung Quốc”.
Ðáng chú ý, tại Litva, điện thoại do công ty Trung Quốc Xiaomi sản xuất đã được lập trình sẵn để kiểm duyệt từ xa khoảng 450 cụm từ được người dùng thường xuyên sử dụng, như “Tây Tạng tự do” hay “phong trào dân chủ”.
Trích dẫn các báo cáo công khai và “thông tin chính phủ mới thu được”, Trung tâm Tương tác Toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Trung Quốc đã tạo ra hệ sinh thái thông tin bằng cách thu hút giới tinh hoa chính trị và các nhà báo nước ngoài. Bắc Kinh cũng đã đầu tư vào mạng lưới vệ tinh và dịch vụ truyền hình kỹ thuật số ở các khu vực đang phát triển, trong đó ưu tiên nội dung truyền thông do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn.
“Trung Quốc sử dụng nhiều phương pháp khác nhau khi cố gắng gây ảnh hưởng đến môi trường thông tin quốc tế. Việc thu thập dữ liệu của Trung Quốc ở nước ngoài đã cho phép Bắc Kinh tinh chỉnh kiểm duyệt nội dung toàn cầu bằng cách nhắm mục tiêu vào các cá nhân và tổ chức cụ thể. Nếu không được kiểm soát, những nỗ lực của Trung Quốc sẽ định hình lại bối cảnh thông tin toàn cầu, tạo ra những thành kiến và khoảng cách, thậm chí có thể khiến các nước đưa ra quyết định đặt lợi ích kinh tế và an ninh của họ phụ thuộc vào lợi ích của Bắc Kinh” - báo cáo lưu ý.
Báo cáo cho hay, Trung Quốc cũng đang phổ biến công nghệ giám sát và kiểm duyệt dành cho các chính phủ trên khắp thế giới như một phần của chương trình “thành phố thông minh” được trang bị các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Theo báo cáo, Chủ tịch Tập Cận Bình hồi năm 2021 đã yêu cầu truyền thông nhà nước Trung Quốc tăng cường nỗ lực tuyên truyền ở nước ngoài. Hiện truyền thông nhà nước Trung Quốc sản xuất nội dung bằng 12 ngôn ngữ, trong khi Tân Hoa xã tính đến cuối năm 2021 đã có 181 văn phòng tại 142 quốc gia và khu vực.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện tranh cãi về những nỗ lực của Trung Quốc trong những năm gần đây nhằm mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của các phương tiện truyền thông do chính phủ nước này kiểm soát, đặc biệt là khi cạnh tranh địa chính trị giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng gia tăng.
Trong một phản ứng về báo cáo trên của Bộ Ngoại giao Mỹ, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc Liu Pengyu cho biết ông không thể bình luận về chi tiết của báo cáo nhưng cho rằng đây là “sự truyền bá thông tin sai lệch”. Ông nói: “Nhìn nhanh vào bản tóm tắt là đủ để biết nội dung của nó: nâng cao sự đối đầu về ý thức hệ, truyền bá thông tin sai lệch và bôi nhọ các chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc. Được viết với tâm lý Chiến tranh Lạnh, báo cáo chỉ là một công cụ khác để kiềm chế Trung Quốc và củng cố quyền bá chủ của Mỹ.”