Trong động thái có thể khiến Trung Quốc giận dữ, ngày 24-7, Mỹ đã điều tàu chiến USS Antietam (ảnh) đi qua Eo biển Đài Loan, giữa lúc Bắc Kinh công bố Sách trắng quốc phòng mới cảnh báo sẽ dùng vũ lực trước bất kỳ nỗ lực độc lập nào của Đài Bắc.
Ảnh: AP
Trong thông báo, phát ngôn viên Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ Clay Doss nhấn mạnh tuần dương hạm Antietam thực hiện chuyến hải trình qua Eo biển Đài Loan (trong hai ngày 24 và 25-7) nhằm “thể hiện cam kết của Washington đối với chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Vị chỉ huy này cho biết các máy bay và tàu chiến của Hải quân Mỹ sẽ “tiếp tục bay, rẽ sóng và thực hiện hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”. Kể từ tháng 7-2018, tàu chiến Mỹ đã có 8 lần đi qua eo biển rộng 180km này.
Bước đi nói trên có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh trong bối cảnh Bộ Ngoại giao Mỹ hồi đầu tháng này đã thông qua kế hoạch bán cho Đài Loan số vũ khí và trang thiết bị quân sự trị giá 2,2 tỉ USD, bao gồm 108 xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2T Abrams và 250 tên lửa phòng không vác vai Stinger. Nếu dự án được hiện thực hóa, đây sẽ là hợp đồng quân sự lớn đầu tiên giữa Mỹ và Đài Loan trong hàng chục năm qua. Mỹ hiện là nhà cung cấp vũ khí chính cho Đài Loan, tính từ năm 2010 Washington đã bán cho Đài Bắc số khí tài trị giá tổng cộng hơn 15 tỉ USD.
Xét về khía cạnh ngoại giao, Washington không có quan hệ chính thức với Đài Bắc kể từ tháng 1-1979 nhưng có trách nhiệm cung cấp các phương tiện giúp hòn đảo này tự vệ theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan. Trong khi đó, Trung Quốc lâu nay tăng cường sức ép nhằm khẳng định chủ quyền của họ đối với Đài Loan. Quan điểm này càng được thể hiện rõ qua Sách trắng quốc phòng mà Bắc Kinh công bố hôm 24-7. Cụ thể, Trung Quốc tuyên bố không ngồi yên nếu bên nào có động thái chia tách Đài Loan khỏi Trung Quốc, thậm chí dùng mọi biện pháp quân sự cần thiết để đánh bại “phe ly khai” Đài Loan. Tại buổi họp báo, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cảnh báo những ai đang tìm kiếm độc lập cho Đài Loan “sẽ đi vào đường cùng”. Trong Sách trắng quốc phòng đầu tiên kể từ năm 2015, Bộ này cũng cáo buộc Mỹ đang làm tổn hại tới sự ổn định chiến lược toàn cầu khi tăng cường chi tiêu quốc phòng và bán vũ khí cho vùng lãnh thổ Đài Loan.
Tài liệu trên được công bố chỉ vài ngày sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc đang cản trở hoạt động dầu khí của các nước khác ở Biển Đông. Trong thông báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nêu rõ việc Trung Quốc tiến hành cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông cùng với các hành động khác nhằm khẳng định những đòi hỏi bất hợp pháp của Bắc Kinh tại vùng biển này, bao gồm cả việc sử dụng quân sự trên biển để hăm dọa, cưỡng ép và đe dọa các quốc gia khác, là hành động làm xói mòn hòa bình và an ninh khu vực.
Cần cảnh giác với công nghệ Trung Quốc
Ngày 24-7, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nhận định chiến tranh thương mại giữa nước này với Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh quốc gia như đối với kinh tế.
“Tôi nghĩ chúng ta cần chú ý nhiều đến công nghệ Trung Quốc đang len lỏi vào các hệ thống của chúng ta hoặc của các đồng minh. Tập đoàn Huawei là biểu tượng thu nhỏ của điều đó”- ông Esper phát biểu tại Lầu Năm Góc. Ngoài ra, vị cựu Bộ trưởng Lục quân này còn thể hiện sự ủng hộ đối với Nhà Trắng trong việc ngăn chặn hãng công nghệ Trung Quốc “nhúng chân” vào các quốc gia đối tác của Mỹ. Năm ngoái, Lầu Năm Góc đã đình các thương vụ mua điện thoại di động và modem của Huawei và ZTE do lo ngại nguy cơ an ninh.
Lâu nay, giới chức Mỹ phàn nàn việc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ gây tổn thất nhiều tỉ đô-la cùng hàng ngàn việc làm đối với nền kinh tế Mỹ và nó cũng đe dọa đến an ninh quốc gia.
Trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh gia tăng căng thẳng về nhiều vấn đề, Bộ Thương mại Trung Quốc hôm qua cho biết trưởng đoàn đàm phán của nước này và Mỹ sẽ gặp nhau tại thành phố Thượng Hải vào ngày 30 và 31-7 tới để thảo luận về các vấn đề thương mại.
THANH BÌNH (Theo Reuters, CNBC)