28/07/2021 - 07:35

Mỹ rút quân khỏi Iraq, Iran được lợi? 

Mỹ và Iraq hôm 26-7 đã đạt được thỏa thuận chính thức kết thúc nhiệm vụ chiến đấu của quân đội Mỹ ở Iraq vào cuối năm 2021, sau hơn 18 năm Washington triển khai binh sĩ tại quốc gia Trung Đông này.

Mỹ chuyển hướng chiến lược

Tổng thống Mỹ Biden (phải) trong cuộc gặp Thủ tướng Iraq al-Kadhimi hôm 27-7. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Biden (phải) trong cuộc gặp Thủ tướng Iraq al-Kadhimi hôm 27-7. Ảnh: AFP

Phát biểu trước cuộc gặp với Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi tại Nhà Trắng trong khuôn khổ đối thoại chiến lược Mỹ - Iraq, Tổng thống Joe Biden thông báo quan hệ 2 nước đang bước vào giai đoạn mới, gồm việc Mỹ sẽ chấm dứt tham gia vào các hoạt động chiến đấu tại Iraq. Nhà lãnh đạo xứ cờ hoa khẳng định Washington sẽ tiếp tục hợp tác với Baghdad trong cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời nhấn mạnh quân đội Mỹ sẽ tiếp tục huấn luyện, hỗ trợ, giúp đỡ quân đội Iraq và đối phó với tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) khi lực lượng này trỗi dậy.

Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố sẽ giúp Iraq tăng cường nguồn cung cấp điện, chống lại đại dịch COVID-19 bằng cách sẽ sớm gửi 500.000 liều vaccine tới Iraq, hỗ trợ Baghdad phát triển khu vực tư nhân, đối phó với tác động của biến đổi khí hậu. Tổng thống Biden cũng nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ đối với cuộc bầu cử ở Iraq vào tháng 10 tới, qua đó khẳng định Washington đang hợp tác chặt chẽ với Baghdad, Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh và Liên Hiệp Quốc để đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra công bằng.

Về phần mình, Thủ tướng al-Kadhimi tái khẳng định “quan hệ đối tác chiến lược” giữa 2 nước. “Mối quan hệ của chúng tôi ngày hôm nay bền chặt hơn bao giờ hết. Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác trong lĩnh vực kinh tế, môi trường, y tế, giáo dục, văn hóa và hơn thế nữa” - ông al-Kadhimi tuyên bố.

Như vậy, với thỏa thuận trên cùng với quyết định rút toàn bộ lực lượng Mỹ ở Afghanistan vào cuối tháng 8 tới, Mỹ sẽ chấm dứt 2 cuộc chiến kéo dài 20 năm hao tiền tốn của kể từ sau sự kiện ngày 11-9-2001. Thật ra, người Mỹ từ lâu đã muốn thoát khỏi 2 cuộc chiến mà cả ông Biden lẫn người tiền nhiệm Donald Trump mô tả là “vô tận”. Cựu Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố rút toàn bộ binh sĩ Mỹ ra khỏi Iraq năm 2011. Sau chiến dịch lật đổ IS năm 2019, ông Trump cũng muốn rút tất cả binh sĩ ra khỏi Iraq nhưng cuối cùng cắt giảm từ 3.000 quân xuống còn 2.500 quân hiện nay.

Iran hưởng lợi?

Sau hơn 18 năm triển khai quân đội tại Iraq, Mỹ chỉ còn lại khoảng 2.500 quân cùng với lượng nhỏ binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm chống IS. Nhiệm vụ của họ là huấn luyện và hỗ trợ các lực lượng an ninh Iraq đang chiến đấu chống lại sự nổi dậy của các tay súng IS. Tuy nhiên, họ phải thường xuyên hứng chịu các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái từ các lực lượng bị nghi do Iran hậu thuẫn.

Sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Iraq cũng làm dấy lên nhiều tranh cãi. Giới chính trị gia và lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn luôn muốn họ rút về nước, đặc biệt là sau khi Mỹ ám sát Thiếu tướng Qasem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, và một chỉ huy dân quân người Iraq tại sân bay Baghdad hồi năm ngoái.

Kể từ Cách mạng Hồi giáo năm 1979, Iran luôn cố gắng đánh đuổi lực lượng Mỹ ra khỏi khu vực lân cận và trở thành cường quốc hàng đầu tại khu vực. Nước này chỉ tạo được ít ảnh hưởng ở các quốc gia Vùng Vịnh, nơi quân đội Mỹ có căn cứ quân sự ở tất cả 6 nước trong khu vực, gồm căn cứ của Hạm đội 5 ở Bahrain.

Song, sự kiện lật đổ chế độ Saddam Hussein ở Iraq hồi năm 2003 của Mỹ đã loại bỏ trở ngại lớn nhất đối với sự bành trướng của Iran. Kể từ đó, Tehran đã không bỏ qua cơ hội, thành công đưa lực lượng dân quân người Hồi giáo dòng Shiite vào hệ thống an ninh của Iraq. Lực lượng đồng minh của Iran này thậm chí còn có tiếng nói mạnh mẽ trong Quốc hội Iraq. Không những vậy, cuộc nội chiến ở Syria đã mở ra cánh cửa cho sự hiện diện quân sự lớn của Iran tại đây, trong khi tại Lebanon, đồng minh của Tehran là phong trào Hồi giáo Hezbollah đã trở thành lực lượng mạnh nhất ở nước này.

Trong một kế hoạch dài hơi, giới lãnh đạo Iran liên tục gây áp lực, cả công khai lẫn bí mật, để biến Trung Đông trở thành khu vực không có sự hiện diện về mặt quân sự của Mỹ. Tehran một mặt thường xuyên triển khai nhiều cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào các căn cứ của Mỹ, một mặt bày tỏ sự ủng hộ đối với các cuộc biểu tình dân sự kêu gọi quân đội Mỹ rời khỏi Trung Đông. Do đó, nhiều người cho rằng việc Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Iraq sẽ giúp Iran đạt thành “ước nguyện”.

TRÍ VĂN (Theo AFP, BBC)

Chia sẻ bài viết