12/10/2015 - 21:08

Mỹ - Nhật - Ấn sẵn sàng cho cuộc tập trận chung

Theo kế hoạch, lực lượng Hải quân Mỹ và Ấn Độ sẽ cùng Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản tham gia cuộc tập trận thường niên Malabar 2015 từ ngày 14 đến 19-10 tại Vịnh Bengal.

Tờ Business Standard của Ấn Độ cho biết, Hải quân 3 nước sẽ diễn tập tình huống tiêu diệt tàu ngầm, chiến hạm nổi và máy bay. Trong số các tàu chiến Mỹ tham gia có tàu ​​sân bay USS Theodore Roosevelt - một trong 11 tàu sân bay hạt nhân của Hải quân Mỹ có thể chở 44 chiến đấu cơ F-18, 4 máy bay tác chiến điện tử Growler, 4 máy bay cảnh báo sớm E-2C và 20 trực thăng chiến đấu. Ngoài ra, Hải quân Mỹ còn điều thêm tuần dương tên lửa USS Normandy, tàu ngầm tấn công hạt nhân USS City of Corpus Christi cùng tàu chiến đấu ven biển (LCS) mới và hiện đại nhất USS Fort Worth, từng bị tàu chiến Trung Quốc đeo bám trong chuyến tuần tra đầu tiên gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam hồi tháng 5 năm nay.

Đoàn tàu chiến các nước trên Vịnh Bengal trong cuộc tập trận Malabar 2014. Ảnh: U.S Navy

 

Về phía Ấn Độ, New Delhi sẽ triển khai 2 tàu khu trục lớp Rajput và Shivalik, một tàu chiến lớp Brahmaputra, một tàu ngầm lớp Kilo cùng một tàu vận tải. Trong khi đó, Tokyo sẽ điều chiến hạm duy nhất là tàu khu trục JS Fuyuzuki được mệnh danh "Aegis của Nhật Bản". Đây cũng là một trong những tàu chiến mạnh nhất cuộc diễn tập. Ngoài hạm đội tàu hùng hậu, Malabar 2015 còn quy tụ máy bay trinh sát hàng đầu P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ và Ấn Độ.

Cuộc tập trận Hải quân Malabar là sự kiện thường niên song phương Mỹ - Ấn Độ, được khởi xướng từ đầu những năm 1990. Tokyo từng tham gia với tư cách khách mời nhưng từ năm nay, nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết Malabar khuôn khổ 3 bên đã được chính thức hóa với liên minh Mỹ - Nhật - Ấn. Trước đó vào năm 2007, Trung Quốc từng phản đối sự tham gia của Nhật Bản, Úc và Singapore trong cuộc tập trận Malabar 5 nước ở Vịnh Bengal. Theo quan ngại của Bắc Kinh, đây có thể là bước đệm hình thành trục tam giác "Úc – Nhật -Ấn" – mắt xích quan trọng trên Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hỗ trợ chiến lược "xoay trục châu Á" của Mỹ. Cả Úc và Ấn Độ khi đó đều nhận định việc gây căng thẳng với Bắc Kinh là hành động "không khôn ngoan". Nhưng với sự gia nhập của Nhật Bản hiện nay, giới phân tích cho biết đây sẽ là thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại hướng về phía Tây Thái Bình Dương của New Delhi.

Trong diễn biến có liên quan, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter trong cuộc họp thường niên với 2 người đồng cấp Úc - Ngoại trưởng Julie Bishop và tân Bộ trưởng Quốc phòng Marise Payne - tại Boston tuần này dự kiến kêu gọi chính quyền Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tiếp tục lên tiếng phản đối hành động "hiếu chiến và khiêu khích" của Trung Quốc ở Biển Đông. Sách lược kiểm soát hành vi đe dọa của Trung Quốc đối với các nước láng giềng nhỏ hơn ở Đông Nam Á cũng được thảo luận.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang lên kế hoạch thách thức chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông với việc điều tàu chiến và máy bay vào phạm vi 12 hải lý quanh các bãi đá mà Trung Quốc cải tạo trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Matt Matthews, căng thẳng Biển Đông đang có dấu hiệu leo thang do vấn đề tranh chấp lãnh hải và thái độ ngày càng "hung hăng" của Trung Quốc. Với tình hình này, ông Matthews cho biết Mỹ và Úc sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương đồng thời kêu gọi Trung Quốc và các bên có tranh chấp kiềm chế, tôn trọng luật pháp quốc tế nhằm đảm bảo tự do hàng hải và thương mại hợp pháp không bị cản trở.

MAI QUYÊN
(Theo Business Standard, The Hindu, AFR)

MAI QUYÊN (Theo Business Standard, The Hindu, AFR)

Chia sẻ bài viết