16/09/2013 - 13:05

Mỹ không loại bỏ khả năng tấn công quân sự Syrie

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov (phải) bằng mặt nhưng chưa chắc đã bằng lòng. Ảnh: AP

Kết quả sau 3 ngày họp tại Genève (Thụy Sĩ) của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov là một thỏa thuận tiến gần hơn tới việc phá hủy kho vũ khí hóa học của chính quyền Bashar al-Assad, song từ Nhà Trắng, lựa chọn sử dụng vũ lực chống Damas nếu con đường ngoại giao lâm vào ngõ cụt vẫn còn đó.

Ông Obama cảnh báo "hậu quả"

Theo những điều khoản của thỏa thuận đạt được tại Genève hôm 14-9, Tổng thống Assad phải công bố "danh sách chi tiết" kho vũ khí hóa học của Syrie trong vòng một tuần lễ, sau đó cho phép đoàn thanh sát viên quốc tế tiến hành khảo sát sơ bộ các địa điểm chứa vũ khí hóa học trước tháng 11 năm nay và bước cuối cùng là di chuyển hoặc phá hủy tất cả số vũ khí trên vào giữa năm 2014, mục tiêu mà người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ miêu tả là "đầy tham vọng".

Thỏa thuận trên sẽ được tóm lược trong một nghị quyết do Mỹ và đồng minh soạn thảo trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ). Nghị quyết này sẽ viện dẫn Điều VII của Hiến chương LHQ, vốn cho phép sử dụng vũ lực để đảm bảo thỏa thuận được thực thi. Song, gần như Nga, quốc gia nắm quyền phủ quyết tại HĐBA, sẽ phản đối giải pháp quân sự chống Syrie ngay cả khi chính quyền Damas không hợp tác. Chính ông Lavrov đã vội vàng lên tiếng rằng "chúng tôi không thảo luận việc dùng vũ lực".

Phản ứng trước thỏa thuận vừa đạt được, Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi đây là bước đi "quan trọng và cụ thể" để có thể ngăn ngừa vũ khí hóa học được sử dụng ở các nơi khác trên thế giới. Theo ông, bước đột phá ngoại giao trên là kết quả của "những đe dọa đáng kể về sử dụng vũ lực". Do vậy, hôm 14-9, ông chủ Nhà Trắng đã thòng thêm một câu rằng: "Nếu con đường ngoại giao, tức kế hoạch giải trừ vũ khí hóa học ở Syrie, thất bại, Mỹ vẫn sẵn sàng phát động cuộc tấn công quân sự chống chính quyền Damas. Cộng đồng quốc tế hy vọng chính quyền Assad sẽ giữ lời hứa từ bỏ vũ khí hóa học của họ". Một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc phụ họa thêm rằng "những đe dọa sử dụng vũ lực là chìa khóa để lèo lái tiến trình ngoại giao".

Phe đối lập chọn thủ tướng lâm thời

Trong một diễn biến khác, sau cuộc họp diễn ra ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hôm 14-9, Liên minh dân tộc đối lập ở Syrie đã chọn ông Ahmad Toameh, nhân vật Hồi giáo theo đường lối ôn hòa, làm thủ tướng lâm thời- động thái được cho là tiến tới việc hình thành chính phủ và nâng cao uy tín quốc tế của phe đối lập.

Ông Toameh sẽ thay thế Ghassan Hitto, người đã từ chức hồi tháng 7 vừa qua khi vẫn chưa thành lập được nội các sau 4 tháng ngồi ghế thủ tướng lâm thời. Về phần ông Toameh, nhiệm vụ được cho là khó khăn của vị nha sĩ 48 tuổi này sẽ là thành lập chính phủ để quản lý các khu vực do phe nổi dậy kiểm soát ở Syrie.

Trong khi đó, đón nhận thông tin về thỏa thuận mà Mỹ và Nga đạt được tại Genève, Quân đội giải phóng Syrie thuộc phe đối lập đã cực lực phản đối vì cho rằng đây là chiêu "câu giờ" của Damas, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi cuộc chiến nhằm lật đổ ông Assad.

THANH BÌNH (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết