Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 8-4 thông báo đã khôi phục một phần các khoản cắt giảm tài trợ đối với các dự án cứu trợ khẩn cấp của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) tại 14 quốc gia đang phát triển.
Trả lời báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Tammy Bruce giải thích một số chương trình tại các quốc gia không nằm trong diện cắt giảm đã bị dừng lại do nhầm lẫn và hiện đã được khôi phục. Tuy nhiên, bà Bruce không nêu rõ tên các quốc gia được nối lại viện trợ, cũng như lý do cụ thể dẫn tới sự nhầm lẫn trong việc hủy bỏ một số hợp đồng trước đó.
Trong khi đó, truyền thông Mỹ dẫn các nguồn thạo tin cho biết, quyền lãnh đạo Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) Jeremy Lewin đã gửi thư điện tử đến các nhân viên, trong đó yêu cầu đảo ngược các lệnh chấm dứt viện trợ và khôi phục các khoản tài trợ cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) tại Lebanon, Syria, Somalia, Jordan, Iraq và Ecuador. Theo hai nguồn tin, chính quyền Mỹ cũng đã khôi phục 4 khoản tài trợ cho Tổ chức Di cư Quốc tế ở khu vực Thái Bình Dương.
Trước đó, ngày 7-4, truyền thông Mỹ dẫn nguồn tin từ các quan chức và tài liệu nội bộ cho biết, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã cắt giảm tài trợ cho các chương trình lương thực khẩn cấp của WFP tại 14 quốc gia, bao gồm Afghanistan, Syria, Yemen và nhiều nước khác đang phải đối mặt với xung đột và khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Các văn bản thông báo hủy hợp đồng được gửi đến đối tác viện trợ trong tuần qua cho thấy quyết định chấm dứt tài trợ tại 14 quốc gia nằm trong tổng số khoảng 60 quốc gia trên khắp khu vực Trung Ðông, châu Phi, châu Mỹ Latinh và các quốc đảo Thái Bình Dương. Phản ứng ngay sau đó, WFP - tổ chức viện trợ lương thực lớn nhất thế giới - đã kêu gọi chính quyền Mỹ xem xét lại quyết định cắt giảm, cảnh báo rằng điều này có thể đẩy hàng triệu người vào nạn đói cùng cực.
Các khoản cắt giảm này nằm trong khuôn khổ kế hoạch giải thể USAID, do chính quyền Tổng thống Donald Trump triển khai dưới sự chỉ đạo của Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) do tỉ phú Elon Musk đứng đầu. Mặc dù kế hoạch này được triển khai, song Ngoại trưởng Marco Rubio và một số quan chức khẳng định Mỹ sẽ không cắt giảm viện trợ nhân đạo thiết yếu. Thế nhưng, cho đến nay, Mỹ chính thức hủy bỏ 83% chương trình của USAID và dự định chuyển khoảng 1.000 chương trình còn lại sang Bộ Ngoại giao để đảm bảo quản lý hiệu quả hơn.
HÀ NGỌC (TTXVN)