31/12/2018 - 20:03

Mỹ dính vào cuộc chiến tại Yemen như thế nào? 

Khi chiến đấu cơ F-15 cất cánh từ căn cứ không quân Khalid, miền Nam Saudi Arabia, để ném bom vào Yemen, thì đây không phải là khí tài duy nhất có xuất xứ từ Mỹ. Saudi Arabia đang sở hữu phi đội chiến đấu cơ F-15 lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Israel.

Binh sĩ Saudi Arabia duyệt binh bên cạnh chiến đấu cơ F-15 do Mỹ chế tạo. Ảnh: NYT
Binh sĩ Saudi Arabia duyệt binh bên cạnh chiến đấu cơ F-15 do Mỹ chế tạo. Ảnh: NYT

Hiện nhiều thợ cơ khí Mỹ đảm trách việc bảo trì và sửa chữa F-15, trong khi các kỹ thuật viên nhận nhiệm vụ nâng cấp phần mềm nhắm mục tiêu và các công nghệ bí mật khác. Đây là những công việc mà các nhân viên người Saudi Arabia không được phép chạm vào. Trong khi đó, phi công của F-15 nhiều khả năng cũng được Không quân Mỹ huấn luyện. Và tại một phòng điều khiển bay ở Thủ đô Riyadh, các chỉ huy Saudi Arabia ngồi gần các quan chức quân đội Mỹ, những người cung cấp thông tin tình báo và tư vấn chiến thuật, chủ yếu nhằm ngăn chặn việc quân đội Saudi Arabia sát hại dân thường Yemen.

Đến nay, quân đội Mỹ hiện diện trong tất cả cuộc không kích của liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu tại Yemen vốn đã khiến hơn 4.600 thường dân thiệt mạng. Dù Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ phủ nhận việc các loại bom do nước này sản xuất được dùng trong các cuộc không kích tại Yemen, song một cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng giới chức Washington được xem qua dữ liệu của mọi cuộc không kích vào Yemen kể từ những ngày đầu của cuộc chiến, trong đó gồm cả chiến đấu cơ và loại đạn dược được sử dụng. 

Và khi bom đạn không ngừng rơi xuống Yemen, Mỹ tiếp tục huấn luyện binh sĩ Không quân Hoàng gia Saudi Arabia. Năm 2017, quân đội Mỹ công bố một chương trình trị giá 750 triệu USD, trong đó tập trung vào cách huấn luyện quân đội Saudi Arabia thực hiện các cuộc không kích sao cho tránh thương vong dân sự.  Hiện gần 100 nhân viên quân sự Mỹ đang tham gia cố vấn hoặc hỗ trợ cho liên quân A-rập tham chiến ở Yemen.

Sự ủng hộ của Chính phủ Mỹ đối với liên quân đã hứng lấy sự phản đối dữ dội trong Quốc hội Mỹ, nhất là sau cái chết của nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi bên trong lãnh sự quán nước này tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) cũng như trước thực trạng thương vong của dân thường Yemen ngày một gia tăng. Một thống kê cho thấy, tháng 11-2018 là tháng bạo lực nhất ở Yemen kể từ  năm 2016 khi có tới 3.058 ca tử vong liên quan đến chiến tranh, gồm 80 thường dân thiệt mạng trong các cuộc không kích. Từ khi Saudi Arabia bắt đầu chiến dịch không kích tại Yemen vào tháng 3-2015, đến nay đã có ít nhất 60.000 người Yemen chết vì chiến tranh và nước này đang lâm vào khủng hoảng nhân đạo hết sức tồi tệ. Trước sự phản đối như vậy, chính quyền Tổng thống Donald Trump mới đây tuyên bố chấm dứt hoạt động tiếp nhiên liệu trên không đối với các chiến đấu cơ của liên quân.

Thượng viện Mỹ hồi tháng rồi cũng đã thông qua nghị quyết buộc chính quyền Tổng thống Trump ngừng hỗ trợ chiến dịch quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu tại Yemen. Những người ủng hộ nói rằng nghị quyết này là một bước đi quan trọng đối với Quốc hội Mỹ trong việc tái khẳng định thẩm quyền của mình về các vấn đề chiến tranh sau nhiều năm nhượng lại các quyết định như vậy cho Tổng thống. Song, nghị quyết này đã bị trôi vào quên lãng khi Hạ viện từ chối xem xét.

Trước sự chia rẽ của chính giới Mỹ về vai trò của Washington trong cuộc chiến ở Yemen hiện nay, giáo sư Daniel L. Byman thuộc  Đại học Georgetown cho rằng nước Mỹ cần sử dụng quyền lực của mình để thúc đẩy hòa bình và ổn định tại Yemen, bao gồm việc phải giúp bảo vệ các đồng minh tự thoát khỏi cuộc chiến khó khăn này. “Cuộc chiến này đã là một thảm họa chiến lược đối với Saudi Arabia. Kết quả các cuộc không kích cho thấy khó có thể đánh bại nhóm Houthi và đồng minh của họ là Iran đã được lợi từ cuộc chiến vụng về của Saudi Arabia” - giáo sư Byman bình luận.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết