30/08/2018 - 20:42

Mỹ điều binh sĩ bảo vệ “sứ quán” tại Đài Loan 

Trong động thái chưa có tiền lệ, Mỹ sẽ triển khai lực lượng lính thủy đánh bộ đảm bảo an ninh cho Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT, tức đại sứ quán không chính thức) theo quy chế tương tự dành cho các văn phòng đại diện chính quyền Washington trên toàn cầu.

Viện Mỹ tại Đài Loan. Ảnh: AFP

Việc Mỹ đưa lính thủy đánh bộ đến canh gác đại sứ quán, lãnh sự quán và các văn phòng đại diện chính phủ nước này trên thế giới không phải động thái bất thường. Song, đây là lần đầu tiên Washington áp dụng quy chế an ninh như vậy tại Đài Loan kể từ năm 1979 khi chuyển công nhận ngoại giao từ hòn đảo này sang Trung Quốc.

Theo giới quan sát, có thể kế hoạch điều binh sĩ đến AIT đã được giới chức Mỹ tính toán nhiều năm trước và thông báo mới đây chỉ đơn giản được chính quyền Tổng thống Donald Trump tái xác nhận. 

Khu phức hợp này được khánh thành hồi tháng 6. Để tránh chọc Trung Quốc nổi giận, Mỹ khi đó chỉ cử Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách văn hóa, giáo dục Marie Royce sang dự lễ cùng lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Song, Bắc Kinh vẫn chỉ trích động thái của Washington vi phạm nguyên tắc “Một Trung Quốc”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khi đó cảnh báo Washington “cẩn trọng” tránh làm ảnh hưởng quan hệ song phương khi đề cập khả năng binh sĩ được điều tới bảo vệ tòa nhà nói trên. Ông Lục Khảng nhấn mạnh việc Mỹ nghiêm chỉnh tuân thủ cam kết đối với nguyên tắc “Một Trung Quốc”, kiềm chế bất kỳ trao đổi chính thức hoặc liên lạc quân sự với Đài Loan là điều kiện tiên quyết cho quan hệ Mỹ - Trung.

Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang tăng sức ép nhằm giảm ảnh hưởng của Đài Bắc trên trường quốc tế. Giám đốc chương trình nghiên cứu châu Á Walter Lohman tại trung tâm Heritage Foundation dự đoán Washington sẽ có nhiều sách lược vừa duy trì quan hệ với Đài Bắc đồng thời đảm bảo cam kết đối với chính sách “Một Trung Quốc” và giữ nguyên hiện trạng trên Eo biển Đài Loan. 

Trong diễn biến khác, Reuters trích nguồn tin quan chức Mỹ tiết lộ nước này cùng Anh, Úc và Pháp sẽ mở đại sứ quán mới ở Thái Bình Dương, tăng thêm nhân sự và thắt chặt quan hệ với lãnh đạo các đảo quốc khu vực nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại đây.

Theo quan chức Mỹ, phương Tây lo ngại các khoản đầu tư của Trung Quốc sẽ dẫn đến những khoản nợ không bền vững. Vì vậy, họ cần có đại diện đầy đủ ở các nước Thái Bình Dương để những chính phủ này biết họ có lựa chọn nào cũng như tầm quan trọng của việc nhận hỗ trợ từ nơi khác. Theo kế hoạch, Mỹ sẽ tăng nhân viên ngoại giao tại Palau, Liên bang Micronesia và Fiji trong 2 năm tới. Về phần Úc, một số nguồn tin ngoại giao tiết lộ Canberra đang gấp rút bổ nhiệm đại sứ đầu tiên tại Tuvalu trong vài tuần tới sau khi trở thành quốc gia và vùng lãnh thổ thứ 2 đặt phái đoàn ngoại giao tại đảo quốc Nam Thái Bình Dương. Dự kiến cuối tháng 5-2019, Anh sẽ có động thái tương tự tại Vanuatu, Tonga và Samoa. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đang lên kế hoạch họp với lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương đầu năm tới.

Theo giới quan sát, cuộc chiến cạnh tranh ảnh hưởng ở Thái Bình Dương ngày càng “nóng” khi mỗi quốc đảo không chỉ nắm một lá phiếu tại các diễn đàn quốc tế như Liên Hiệp Quốc mà còn kiểm soát những vùng biển rộng lớn giàu tài nguyên. Trong đó, Trung Quốc không chỉ đổ tiền để gây dựng ảnh hưởng mà còn đẩy mạnh hợp tác quân sự với các nước. Một báo cáo gần đây cho biết Bắc Kinh dường như đã thay đổi cán cân quyền lực tại khu vực và “phá hủy các liên minh của Mỹ” ở Vành đai Thái Bình Dương. 

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết