17/04/2025 - 23:54

Mỹ để mắt đến khoáng sản Pakistan 

Khi “cơn khát” khoáng sản thiết yếu toàn cầu tăng vọt, Mỹ xác định trữ lượng khoáng sản trị giá hàng ngàn tỉ USD của Pakistan là cơ hội để thúc đẩy thương mại song phương và đối trọng với sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Hoạt động khai khoáng tại mỏ Reko Diq của Pakistan. Ảnh: Shutterstock

Hàng loạt hoạt động ngoại giao giữa Mỹ và Pakistan liên quan đến hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản quan trọng đã diễn ra trong những tuần gần đây. Ít nhất hai phái đoàn Mỹ đã đến Pakistan trong tháng này để thảo luận về các đề xuất tăng cường hợp tác kinh tế.

Phái đoàn đầu tiên do Eric Meyer, quan chức cấp cao của Cục các vấn đề Trung và Nam Á thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, dẫn đầu đã đến Islamabad dự diễn đàn đầu tư với mục đích thúc đẩy lợi ích của Mỹ trong lĩnh vực khoáng sản thiết yếu. Tại đây, ông Meyer nhấn mạnh hợp tác phát triển khoáng sản với Pakistan là lĩnh vực cốt lõi mà cả hai bên cùng quan tâm.

Phái đoàn còn lại đến Pakistan vào tuần rồi và đã dành một tuần thảo luận với các nhà lãnh đạo dân sự, quân sự của quốc gia Nam Á. Đây là phái đoàn Quốc hội Mỹ đầu tiên đến thăm Pakistan trong gần 2 năm. Nghị sĩ Jack Bergman, một thành viên trong đoàn, coi khoáng sản là “lĩnh vực quan trọng” cho quan hệ đối tác.

Trước các chuyến thăm này, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cũng đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Pakistan Ishaq Dar và “vẽ ra triển vọng hợp tác về các khoáng sản quan trọng cũng như bày tỏ sự quan tâm đến việc mở rộng các cơ hội thương mại cho Washington”. Ngoài ra, một cuộc họp giữa Nhóm nghị sĩ Pakistan - Mỹ dự kiến diễn ra tại New York vào ngày 30-4 để thảo luận về tình hình chính trị và quản trị tổng thể của Pakistan.

Không rõ liệu đây chỉ là giai đoạn tạm thời trong quan hệ ngoại giao Mỹ - Pakistan hay liệu nó có thể dẫn đến sự thay đổi thực sự trong cách hợp tác giữa hai nước hay không.

Tuy nhiên, một điều chắc chắn là tầm quan trọng của các khoáng sản thiết yếu đã tăng giá trị trong những năm gần đây do chúng liên quan đến các công nghệ hiện đại. Ví dụ, nhu cầu về đồng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng cao. Ước tính sẽ cần từ 330.000-420.000 tấn đồng để thành lập các trung tâm dữ liệu vào năm 2030.

Trong khi đó, Pakistan là quốc gia có trữ lượng đồng khổng lồ. Đơn cử như Reko Diq ở tỉnh Balochistan là một trong những mỏ đồng - vàng chưa khai thác lớn nhất thế giới, với trữ lượng ít nhất 24,5 triệu tấn đồng và 1.200 tấn vàng. Pakistan còn sở hữu trữ lượng lớn than, muối, thạch cao, cromit, quặng sắt và đá quý. Trữ lượng khoáng sản của Pakistan ước tính trị giá 8.000 tỉ USD và trải dài trên gần 600.000km2, lớn hơn gấp đôi diện tích Vương quốc Anh.

Pakistan từ lâu đã “khoe” sự giàu có này, song cũng phải vật lộn trong thời gian dài để tìm kiếm các nhà đầu tư. Điều này khiến mối quan tâm của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trở nên nổi bật. Quyết định gần đây của Trung Quốc về việc đình chỉ xuất khẩu đất hiếm tạo thêm động lực cho Mỹ khám phá các cơ hội ở Pakistan.

“Canh bạc” nguy hiểm

Tuy nhiên, những rủi ro an ninh nghiêm trọng tại Pakistan khiến quan hệ đối tác này trở thành một “canh bạc” nguy hiểm. Các công ty khai thác thường chấp nhận rủi ro cao, do địa hình bất ổn tại nơi họ hoạt động. Nhưng điều kiện của Pakistan lại đặc biệt nguy hiểm đối với các nhà đầu tư khai thác tiềm năng.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Pakistan, quốc gia này đã hứng chịu 521 vụ tấn công khủng bố vào năm ngoái, tăng 70% so với năm 2023. Trong đó, hơn 95% số vụ tấn công xảy ra ở 2 tỉnh Balochistan và Khyber Pakhtunkhwa, nơi có hầu hết các mỏ khoáng sản của Pakistan. Xu hướng bạo lực vẫn tiếp diễn trong năm nay, khi 53/54 vụ tấn công khủng bố được báo cáo ở Pakistan trong tháng 2-2025 là xảy ra tại các tỉnh nêu trên.

Quân đội Giải phóng Balochistan (BLA) là một trong những nhóm ly khai mạnh nhất ở Pakistan. Các hoạt động chống khủng bố, trấn áp của nhà nước và các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở Balochistan và Khyber Pakhtunkhwa trong những thập niên gần đây đã chọc giận các cộng đồng địa phương. Cơn thịnh nộ về việc khai thác tài nguyên lâu nay đã châm ngòi làn sóng bạo lực của BLA. Đã có những vấn đề mất lòng tin liên quan đến quyền kiểm soát tài nguyên của liên bang và tỉnh tại Pakistan.

Do đó, khi rót vốn vào Pakistan, các nhà đầu tư khoáng sản như bước vào “một thùng thuốc súng”. Tổng tư lệnh quân đội Pakistan đã cam kết sẽ bảo vệ các nhà đầu tư khoáng sản, song nước này vẫn chưa giải quyết triệt để những lo ngại về an ninh của các nhà đầu tư từ Trung Quốc mặc dù đã triển khai hàng ngàn binh sĩ che chắn cho các dự án cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh - đồng minh thân cận nhất của Islamabad.

Ngoài ra, còn có những hạn chế về cơ sở hạ tầng và năng lượng đối với việc đầu tư khoáng sản ở Pakistan. Barrick Gold (Canada), một trong số ít công ty khai thác nước ngoài hiện đang hoạt động tại Pakistan, thừa nhận không có đủ điện giá rẻ và đáng tin cậy.

Các quốc gia như Mỹ và Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội khắp toàn cầu trong lĩnh vực khoáng sản quan trọng để đáp ứng nhu cầu công nghệ và quốc phòng của họ. Tại châu Phi, Mỹ đang đàm phán để rót hàng tỉ USD vào đất nước Congo vốn giàu khoáng sản. Thị trường khoáng sản của Congo hiện do các công ty và nhà đầu tư Trung Quốc thống trị. Tương tự, Mỹ và Ukraine đã trao đổi các đề xuất nhằm đạt được thỏa thuận liên quan đến khoáng sản và tài nguyên thiết yếu của Kiev như một phần của hợp tác quân sự rộng lớn hơn.

Ngày 16-4, Phó Thủ tướng thứ nhất của Ukraine, bà Yulia Svyrydenko, cho biết Kiev và Washington đã đạt được “tiến triển đáng kể” trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận khoáng sản và sẽ ký bản ghi nhớ trong tương lai gần.

 

HẠNH NGUYÊN (Theo Foreign Policy, The Diplomat)

Chia sẻ bài viết