09/04/2025 - 08:54

Mỹ đàm phán trực tiếp với Iran về thỏa thuận hạt nhân? 

Hôm 7-4, Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố Mỹ đã bắt đầu các cuộc đàm phán trực tiếp với Iran về chương trình hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, phía Iran khẳng định các cuộc thảo luận ở Oman sẽ là đàm phán gián tiếp.

Đòn tâm lý của ông Trump

Phát biểu với các phóng viên khi ngồi cạnh Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng, ông Trump cho biết các cuộc đàm phán "cấp cao" sẽ được tổ chức vào ngày 12-4 tới và các quan chức Mỹ sẽ đối thoại trực tiếp với Iran chứ không thông qua bất kỳ bên trung gian nào. Ông không tiết lộ địa điểm diễn ra các cuộc đàm phán hoặc những quan chức nào sẽ tham gia tiến trình này nhưng vẫn giữ quan điểm rằng có thể đạt được thỏa thuận.

Tổng thống Mỹ Trump tiếp đón Thủ tướng Israel Netanyahu tại Nhà Trắng ngày 7-4. Ảnh: Politico

"Tôi nghĩ mọi người đều đồng ý rằng việc xúc tiến một thỏa thuận sẽ tốt hơn là thực hiện điều hiển nhiên", ông Trump nói. Điều hiển nhiên mà ông muốn nhắc đến dường như là các cuộc tấn công quân sự vào chương trình hạt nhân của Iran.

Tại Nhà Trắng, Thủ tướng Netanyahu cũng đã đưa ra cảnh báo tương tự cho Tehran nếu ngoại giao không hiệu quả.

Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh Iran đã bác bỏ yêu cầu đàm phán trực tiếp của Tổng thống Trump và thay vào đó là muốn tiếp tục đàm phán gián tiếp thông qua Oman. Tháng rồi, Tổng thống Mỹ tiết lộ ông đã gửi một lá thư cho Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei, trong đó đề nghị đàm phán trực tiếp về chương trình hạt nhân của nước này.

Trang Nournews của Iran mô tả tuyên bố của ông Trump về cuộc gặp trực tiếp vào cuối tuần này là một phần trong "hoạt động tâm lý nhằm tác động đến dư luận trong nước và quốc tế".

Iran ủng hộ các cuộc đàm phán gián tiếp

Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi đã viết trên mạng xã hội X rằng các cuộc đàm phán cấp cao gián tiếp sẽ được tổ chức tại Oman, đồng thời nhấn mạnh: "Đây vừa là cơ hội vừa là thử thách. Quả bóng đang ở bên phần sân của Mỹ".

Ngày 8-4, truyền thông nhà nước Iran cho biết các cuộc đàm phán sẽ do Ngoại trưởng Araqchi và Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ, Steve Witkoff chủ trì, với vai trò trung gian của Ngoại trưởng Oman Badr al-Busaidi. Oman, nước duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Mỹ và Iran, từ lâu đã là kênh truyền đạt thông điệp giữa hai quốc gia đối địch này.

Theo hãng tin Reuters, các cuộc đàm phán trực tiếp sẽ không diễn ra nếu không có sự chấp thuận rõ ràng của ông Khamenei, người hồi tháng 2 đã nói rằng các cuộc hội đàm với Mỹ là "không sáng suốt".

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà ông từ lâu chê là "tệ". Giờ đây, chủ nhân Nhà Trắng phải cân bằng giữa biện pháp ngoại giao mới với Tehran và viễn cảnh phải chấp nhận bất kỳ hậu quả quân sự nào nếu các cuộc đàm phán bất thành.

"Ông Trump muốn tránh 2 điều. Thứ nhất, Iran vượt qua ngưỡng hạt nhân dưới sự giám sát của ông. Thứ hai, một hoạt động quân sự quy mô lớn của Mỹ hoặc đồng minh Israel đẩy khu vực này vào cảnh hỗn loạn", Aaron David Miller, chuyên gia về chính sách Trung Đông của Mỹ tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế nhận định.

Trong báo cáo hồi tháng 2, Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc cho biết Iran đã sản xuất 275kg uranium được làm giàu với độ tinh khiết lên tới 60%, gần sát ngưỡng 90% cần thiết để chế tạo bom hạt nhân. Iran đã liên tục phủ nhận mọi ý định chế tạo bom hạt nhân và tuyên bố chương trình của họ chỉ nhằm mục đích hoàn toàn dân sự.

Theo các nguồn thạo tin, một phần trong chuyến thăm Mỹ hiện nay của Thủ tướng Israel Netanyahu bao gồm nỗ lực nhằm đạt được sự đồng thuận về các lựa chọn quân sự để giải quyết các địa điểm hạt nhân của Iran nếu đàm phán của ông Trump với Tehran gặp trở ngại.

Bản thân Tổng thống Trump đang đối mặt với áp lực từ cả Israel và các phe phái khác nhau trong đảng Cộng hòa của ông về cách giải quyết yếu tố Iran. Trong đó, các nhân vật "diều hâu" trong chính quyền ông Trump muốn gia tăng áp lực lên Iran, còn những phe cánh khác thuộc phong trào "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" (MAGA) thì coi phe "diều hâu" là bên hiếu chiến. Các cuộc xung đột này đã trở nên gay gắt, công khai trong những tuần gần đây và nó có thể ảnh hưởng đến cách tiếp cận của Mỹ đối với Israel và chiến dịch gây áp lực lên Iran.

 

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết