01/04/2021 - 18:18

Mỹ công bố gói đầu tư hơn 2.000 tỉ USD cho hạ tầng 

Trong khi kế hoạch chi tiêu “khủng” trị giá hơn 2.000 tỉ USD được kỳ vọng thúc đẩy lợi thế cạnh tranh của Mỹ trên trường quốc tế, giới quan sát đồng thời nhận định Tổng thống Joe Biden (ảnh) còn muốn xóa bỏ một trong những di sản biểu tượng về kinh tế của người tiền nhiệm Donald Trump.

Cả thế hệ chỉ có một lần

Hồi đầu tháng 3, Tổng thống Biden đã có chiến thắng lớn đầu tiên tại Quốc hội sau khi Hạ viện thông qua gói kích thích kinh tế và cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỉ USD. Ðây là một trong những gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử Mỹ và được kỳ vọng sẽ kích thích chi tiêu, tạo đà hồi phục cho nền kinh tế. Ðến hôm 31-3, Tổng thống Biden tiếp tục đưa ra đề xuất về khoản đầu tư “cả thế hệ chỉ có một lần” giúp tạo ra hàng triệu việc làm và xây dựng nền kinh tế “mạnh mẽ, công bằng”.

Cụ thể, chính quyền Biden trong giai đoạn đầu kêu gọi rót 620 tỉ USD vào giao thông để nâng cấp hơn 32.000 km đường sá, sửa chữa 10.000 cây cầu, thay thế tất cả các đường ống trong hệ thống đường ống nước quốc gia và dịch vụ nhằm đảm bảo cung cấp nước sạch. Kế hoạch còn dự kiến tăng gấp đôi nguồn quỹ cho giao thông công cộng, nâng cấp mạng lưới viễn thông, mở rộng truy cập Internet tốc độ cao ở khu vực nông thôn và những cộng đồng chưa được cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, chính phủ đặc biệt chú trọng dịch vụ chăm sóc tại nhà và trong cộng đồng; khôi phục đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và sản xuất để tạo động lực cạnh tranh với các cường quốc đang lên.

Phần hai của kế hoạch dự kiến công bố trong tháng này, tập trung mở rộng bảo hiểm y tế, tăng phúc lợi cho người lao động có con nhỏ, phải nghỉ ốm hoặc nghỉ việc gia đình, cùng những nỗ lực khác nhằm hỗ trợ các gia đình. Tuy đảng Dân chủ muốn sớm thông qua kế hoạch vào tháng 7, nhưng trước tiên họ sẽ phải giải quyết thách thức từ phe Cộng hòa khi có tin Tổng thống Biden muốn đảo ngược chính sách cắt giảm thuế doanh nghiệp mà ông Trump áp dụng từ năm 2018 để bù đắp kinh phí.

Ảnh: Getty Images

Ảnh: Getty Images

Kinh phí từ giới nhà giàu

Tổng thống Biden cho biết các công ty lớn và giới nhà giàu sẽ chi trả cho kế hoạch trên. “Hôm nay, tôi đề xuất một kế hoạch quốc gia tưởng thưởng cho công việc chứ không phải sự giàu có. Nó tạo ra một nền kinh tế công bằng, mang lại cho mọi người cơ hội thành công. Nó sẽ tạo ra một nền kinh tế đổi mới, mạnh mẽ nhất, linh hoạt nhất trên thế giới", ông Biden nhấn mạnh.

Theo một số nguồn tin, chính phủ trước mắt sẽ tăng thuế đối với doanh nghiệp từ mức 21% hiện tại lên 28%. Chính quyền cũng tính toán loại bỏ tất cả các khoản giảm thuế nhiên liệu hóa thạch, đánh thuế khoản lợi nhuận kiếm từ thị trường nước ngoài của các tập đoàn với mức tăng từ 13% lên 21%. Ngăn nạn trốn thuế, ông Biden còn đề ra một số biện pháp trừng phạt các công ty di chuyển tài sản và công việc ra nước ngoài.

Ðảng Cộng hòa đã lên tiếng phản đối vì cho rằng kế hoạch tăng thuế của đảng Dân chủ khiến doanh nghiệp trong nước gánh mức thuế cao hơn so với các nước phát triển khác. Theo các chuyên gia, công ty Mỹ sẽ trả nhiều hơn so với trước năm 2018 bởi mức thuế tổng mà họ phải chịu lên tới 32,3%. Ðây là mức cao nhất trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Báo cáo của tổ chức Tax Foundation cũng cảnh báo kế hoạch tăng thuế doanh nghiệp trong dài hạn có thể tác động tiêu cực tới tiền lương, xóa bỏ 159.000 việc làm trong khi tăng trưởng GDP bị thu hẹp 0,8%.

Trái với dự báo ảm đạm, thị trường chứng khoán Mỹ hầu hết tăng điểm trong phiên giao dịch 31-3 sau khi chính phủ hé lộ kế hoạch chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Các nhà đầu tư hoan nghênh kế hoạch của ông Biden nhằm thúc đẩy đầu tư vào cầu, cảng và các cơ sở hạ tầng khác, đồng thời giảm thuế doanh nghiệp được đề xuất.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết