05/02/2021 - 06:26

Mỹ chống chủ nghĩa cực đoan trong quân đội 

Hôm 3-2, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố sẽ tạm đình chỉ hoạt động toàn bộ lực lượng vũ trang vào một thời điểm nhất định nhằm giải quyết xu hướng cực đoan trong quân ngũ.

Bộ trưởng Quốc phòng Austin cùng các binh sĩ Mỹ. Ảnh: AP

Bộ trưởng Quốc phòng Austin cùng các binh sĩ Mỹ. Ảnh: AP

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, giới lãnh đạo cấp cao Bộ Quốc phòng có 60 ngày để chuẩn bị các hoạt động đánh giá cách hành xử của binh sĩ và tìm hiểu quan điểm của họ về chủ nghĩa cực đoan. Tuy vậy, quan chức này không xác định thời gian quân đội dừng hoạt động là bao lâu và các chỉ huy có biện pháp gì để giải quyết vấn đề. Tháng rồi, tờ New York Times cho biết Bộ Quốc phòng đang xem xét tăng cường giám sát hoạt động của các thành viên lực lượng vũ trang trên mạng xã hội, tương tự các doanh nghiệp hiện nay.

Đây không phải lần đầu tiên quân đội lớn thứ 3 thế giới với hơn 1 triệu nhân viên tạm “treo” để kiểm soát những mảng tối tồn tại trong toàn lực lượng, chẳng hạn tấn công tình dục, tự sát hoặc phân biệt chủng tộc. Nhưng nhìn chung, những sự kiện như trên có rất ít nội dung; đặc biệt với các nhà lãnh đạo đang trên đà thăng tiến sẽ không muốn thừa nhận có vấn đề tồn tại trong đơn vị của họ, theo tiết lộ của tờ US News.

Đối với động thái lần này, nhiều người không rõ đây là tín hiệu báo trước kế hoạch cụ thể của chính quyền tân Tổng thống Joe Biden nhằm giải quyết vấn đề chủ nghĩa cực đoan hay chỉ là bước đi mang tính biểu tượng trong bối cảnh Lầu Năm Góc đang chịu sức ép sau vụ bạo loạn tại trụ sở Quốc hội hôm 6-1. Theo Hãng tin CNN, ít nhất 22 người đã hoặc đang tại ngũ bị cáo buộc có tham gia. Trước đó, Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Bộ An ninh Nội địa cảnh báo tình trạng chủ nghĩa cực đoan thượng tôn da trắng len lỏi vào đội ngũ cảnh sát và quân đội. Trong thông báo gửi Lầu Năm Góc, FBI cho biết họ đang mở các cuộc điều tra tội phạm liên quan 143 binh sĩ tại ngũ và cựu quân nhân. Trong số này có 68 người liên quan chủ nghĩa cực đoan trong nước.

Trước nay, Lầu Năm Góc chưa từng công bố có bao nhiêu phần tử mang tư tưởng cực đoan chịu kỷ luật hoặc bị loại bỏ và sự việc hôm 6-1 là hồi chuông cảnh tỉnh cho vấn đề này, theo ông Kirby. Trong phiên điều trần xác nhận, Tướng Austin nhấn mạnh việc loại bỏ những thành phần “phân biệt chủng tộc và cực đoan” khỏi lực lượng vũ trang là cần thiết để tránh các mối đe dọa làm ảnh hưởng đến năng lực của quân đội.

Năm ngoái, khảo sát do tờ Military Times thực hiện ước tính có hơn 1/3 trong tổng số quân nhân tại ngũ nhận thấy các hành vi chủ nghĩa dân tộc da trắng hoặc các hình thức phân biệt chủng tộc khác trong hàng ngũ của họ. Theo chuyên gia phân tích các nhóm cực hữu Mark Pitcavage, số lượng  phần tử cực đoan trong quân đội đã tăng lên do các đối tượng cực hữu ngày càng tích cực gia nhập để học hỏi các kỹ năng và chuyên môn; song song sự phát triển của khuynh hướng cực đoan da trắng trong số quân nhân tại ngũ.

Thật ra, quan ngại này không chỉ gia tăng tại Mỹ mà còn ở các nước châu Âu. Chẳng hạn như ở Đức, thống kê từ các cơ quan an ninh cho thấy trong 3 năm trở lại đây có hơn 1.400 trường hợp binh lính, sĩ quan cảnh sát và nhân viên tình báo bị nghi có tư tưởng cực hữu.

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết