Việc Nga - Trung Quốc thúc đẩy hợp tác song phương trong chương trình nghị sự ở Bắc Cực khiến chính quyền vùng Tây Bắc của Mỹ và Canada cảnh giác, từ sự hiện diện ngày càng tăng của các nhóm tàu chiến cho tới nguy cơ tràn dầu.
![Mỹ, Canada cảnh giác hoạt động của Nga - Trung Quốc ở Bắc Cực](https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2024/20240101/images/16-1.webp)
Cảng dầu Novy của Gazprom ở Bắc Cực thuộc Nga. Ảnh: Gazprom
Theo trang tin Nikkei, Thủ hiến vùng lãnh thổ Yukon của Canada Ranj Pillai đã lập ủy ban cố vấn an ninh nhằm xem xét các rủi ro quốc tế mà khu vực này đối mặt. Với sự tham gia của các học giả và sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu, hội đồng sẽ thảo luận các cách đảm bảo an ninh và bảo vệ cơ sở hạ tầng, tài nguyên năng lượng, khoáng sản quan trọng, sân bay, mạng kỹ thuật số cũng như chiến lược tăng cường hiện diện của Lực lượng Vũ trang Canada tại Yukon. Kết quả sẽ được hội đồng trình lên thủ tướng vào năm 2024.
Trong một phát biểu, ông Pillai cho biết khu vực thực sự bất an trước các hoạt động gia tăng giữa Trung Quốc và Nga ở Bắc Cực, đặc biệt sau vụ Mỹ phải điều 4 tàu khu trục theo dõi khi đội tàu gồm 11 tàu quân sự của Nga - Trung bị phát hiện tiếp cận quần đảo Aleutian trên Biển Bering và Bắc Thái Bình Dương vào tháng 8. Ông Pillai cho biết chính quyền bang Alaska (Mỹ) cũng có chung quan ngại và hai bên đang tăng cường trao đổi liên lạc bởi Thống đốc Mike Dunleavy cũng đang muốn hiểu rõ chuyện gì đang diễn ra, từ đó dễ dàng phát hiện các khoản đầu tư đáng ngờ trong khu vực.
Không giới hạn ở hoạt động quân sự, trang Nikkei cho biết các nhà sản xuất dầu Nga đang nghiên cứu khả năng chuyển hướng các chuyến hàng từ các cảng Baltic qua Bắc Cực. Theo giới quan sát, cuộc chiến ở Ukraine và lệnh trừng phạt từ phương Tây đã vẽ lại bản đồ thương mại của Nga, buộc nước này tìm kiếm nguồn tiêu thụ dầu thô thay thế. Hiện Trung Quốc là một trong những khách hàng chính của dầu mỏ Nga, điều này thúc đẩy Mát-xcơ-va đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại Bắc Cực nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Tuyến đường biển phía Bắc (NSR) trở thành tuyến vận chuyển chính.
Được biết, NSR chạy dọc vùng đặc quyền kinh tế của Nga từ Biển Baltic đến Biển Bering, có thể rút ngắn hải trình từ Biển Baltic và Biển Barents đến Trung Quốc tới 10 ngày so với việc đi qua Kênh đào Suez. Mặc dù tiết kiệm đáng kể thời gian và nhiên liệu, nhưng các chuyến hàng qua NSR thường diễn ra từ tháng 7 đến tháng 11 khi lớp băng ở Bắc Cực mỏng nhất sẽ làm tăng rủi ro an toàn đối với các khu vực vùng cực của Mỹ và Canada. Trong đó, việc Nga sử dụng tàu chở dầu vỏ mỏng để thực hiện hải trình xuyên Bắc Băng Dương khiến các cộng đồng ven biển thêm lo ngại trước nguy cơ tràn dầu. Đây sẽ là bước lùi về môi trường mà các quốc gia Bắc Cực đã nỗ lực thiết lập trong nhiều thập kỷ.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere đồng thời là Chủ tịch diễn đàn liên chính phủ Hội đồng Bắc Cực năm 2023, cho biết Oslo theo dõi chặt chẽ quan hệ hợp tác ngày càng tăng giữa Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực. Theo ông, Nga muốn duy trì quyền kiểm soát vững chắc đối với Bắc Cực theo chính sách riêng. Tuy nhiên, quan điểm của họ trong quan hệ đối tác có thể thay đổi do thực tế địa chính trị, đặc biệt khi Mát-xcơ-va có xu hướng “xoay trục” về hướng Đông để đáp ứng nhu cầu đầu tư, giúp mang lại cho Trung Quốc đòn bẩy và ảnh hưởng ngày càng tăng trong khu vực. Năm ngoái, Bộ Quốc phòng Mỹ đã lập Văn phòng Chiến lược Bắc Cực và Khả năng phục hồi toàn cầu. Hiện văn phòng có khoảng 20 thành viên và đang tăng cường giám sát hoạt động hợp tác Nga - Trung ở Bắc Cực.
MAI QUYÊN