23/10/2015 - 09:50

Mỹ-Pakistan “hâm nóng” mối quan hệ chiến lược

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang chuẩn bị bán 8 chiến đấu cơ F-16 cho Pakistan nhằm tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược với quốc gia Nam Á này, dù Washington vẫn "chưa hài lòng" quyết tâm của Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố và lo ngại kho vũ khí hạt nhân ngày càng phình to của nước này.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, quyết định trên được đưa ra trước cuộc gặp giữa Tổng thống Obama và Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif tại Nhà Trắng hôm 22-10. Quyết định này phù hợp với việc Washington vừa thay đổi kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan nhằm tăng cường các hoạt động hỗ trợ quân sự cho chính quyền Afghanistan chống phiến quân Taliban, vốn đang trổi dậy đánh chiếm tỉnh Kunduz và lăm le nhiều khu vực khác ở miền Trung Afghanistan. Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif, đang ở thăm Mỹ, khẳng định quyết tâm của Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố, ủng hộ các nỗ lực nhằm đảm bảo hòa bình, an ninh và thịnh vượng không chỉ cho Pakistan mà cả khu vực Nam Á.

Thủ tướng Nawaz Sharif (trái) và Tổng thống Barack Obama. Ảnh: EPA

Giới chức Mỹ lâu nay vẫn yêu cầu Pakistan phải triệt tiêu mạng lưới Haqqani ở Bắc Waziristan, cho rằng cuộc chiến của Mỹ và đồng minh không thể giành thắng lợi tại Afghanistan nếu các căn cứ của phiến quân ở Pakistan không bị tiêu diệt. Tuy nhiên, Islamabad cho rằng tấn công một kẻ thù không gây đe dọa nào với Pakistan sẽ khiến cuộc chiến chống Taliban ở nước này bị dàn trải. Chính quyền Pakistan cho biết họ đã thiệt hại hàng nghìn binh sĩ trong các chiến dịch phối hợp với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố thời gian qua. Nhưng, theo Islamabad, những nỗ lực của Pakistan đã không được Mỹ và phương Tây nhìn nhận một cách xứng đáng, khiến quan hệ hai bên lạnh nhạt.

Thời báo New York nhận định, việc Nhà Trắng bán máy bay chiến đấu cho Pakistan có thể bị Quốc hội Mỹ ngăn chặn, nhưng nó sẽ là một bước đi mang tính biểu tượng và cho phép Pakistan tăng cường sức mạnh cho phi đội chiến đấu khá lớn của nước này (bao gồm hơn 70 chiếc F-16 và hàng chục máy bay tấn công do Pháp và Trung Quốc chế tạo). Được biết, nhiều nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ đã lo ngại rằng thương vụ bán máy bay F-16 sẽ chỉ giúp tăng cường năng lực chiến đấu cho Pakistan trong cuộc đối đầu kéo dài với Ấn Độ hơn là dùng cho hoạt động chống khủng bố. Trong cuộc họp báo mới đây, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng phát biểu rằng Mỹ khuyến khích Ấn Độ và Pakistan nối lại đối thoại để giảm bớt mối quan hệ căng thẳng giữa hai bên. Ông Kerry nhấn mạnh, việc bình thường hóa mối quan hệ Pakistan-Ấn Độ là rất quan trọng cho hai nước vốn có tiềm lực hạt nhân này cũng như cho cả khu vực.

Theo báo cáo mới công bố của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), Islamabad đã mở rộng kho vũ khí từ 110 lên 130 đầu đạn hạt nhân (tăng từ 90-110 đầu đạn trong vòng 4 năm qua), và ước tính sẽ tiếp tục tăng lên từ 220-250 đầu đạn vào năm 2025. Con số này cho thấy xu hướng gia tăng về vũ khí hạt nhân của Pakistan, và có thể đưa nước này trở thành nước đứng thứ 5 thế giới về năng lực hạt nhân (sau Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và trước Anh).

NGUYỆT CÁT
(Theo Reuters, NYT, Washington Times)

NGUYỆT CÁT (Theo Reuters, NYT, Washington Times)

Chia sẻ bài viết