09/02/2015 - 08:47

Mừng ít, lo nhiều

Lệnh giới nghiêm vào ban đêm tại Thủ đô Baghdad của Iraq đã được dỡ bỏ vào tối 7-2 sau hơn một thập niên tồn tại, chính xác là kể từ khi Tổng thống Saddam Hussein bị liên quân do Mỹ dẫn dắt lật đổ vào năm 2003.

Đối với nhiều người dân Baghdad, đây quả là tin mừng bởi trong những năm qua, họ luôn có cảm giác bị cầm tù khi xung quanh các tòa nhà là những bức tường bảo vệ xám ngắt cao ngất ngưỡng. Ra khỏi nhà, họ phải xếp hàng chờ đợi ở các trạm kiểm soát an ninh trên những con đường chính và lối vào các khu dân cư, trong khi đoàn xe hộ tống các chính khách luôn có vệ sĩ với súng ống đầy mình. Trong mười mấy năm qua, người dân Baghdad trên thực tế vẫn sống trong bầu không khí chiến tranh. Thế nên cũng dễ hiểu khi họ hồ hởi đón nhận tin lệnh giới nghiêm được dỡ bỏ. "Đây là quyết định dũng cảm nhất của (Thủ tướng) Haider al- Abadi. Điều này cho thấy đất nước đã phần nào đó an toàn"- một cư dân Baghdad phấn khởi nói.

Thế nhưng cũng có không ít người tỏ ra lo ngại tình hình sẽ xấu đi một khi các biện pháp thắt chặt an ninh lâu nay được nới lỏng. Và chỉ vài giờ trước khi lệnh giới nghiêm chấm dứt, tại Baghdad đã liên tiếp xảy ra 5 vụ nổ bom làm ít nhất 40 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương mà nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thừa nhận là tác giả. "Bạn có thể thấy mọi thứ không tốt như trước đây. Các vụ đánh bom đã trở lại"- một người dân phàn nàn. Ngoài mối đe dọa từ phiến quân, người ta cũng sợ rằng lợi dụng việc này, các băng nhóm tội phạm sẽ càng lộng hành hơn.

Đưa cuộc sống tại thủ đô trở lại bình thường là quyết tâm của vị thủ tướng người Hồi giáo dòng Shiite, bởi nó sẽ giúp ông củng cố sự ủng hộ của dân chúng và chứng tỏ rằng Baghdad không còn bị IS (theo dòng Sunni) đe dọa. Thế nhưng với tình hình hiện nay, liệu quyết định dỡ bỏ giới nghiêm của ông al- Abadi có quá vội vàng vẫn là một câu hỏi lớn.

Quốc Khánh

Chia sẻ bài viết