09/06/2019 - 06:58

Một triệu ca STI được chẩn đoán mỗi ngày 

Theo số liệu công bố bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 1 triệu trường hợp mới mắc 4 bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) được phát hiện mỗi ngày. Điều này rất đáng lo ngại bởi những bệnh trên có xu hướng khó chữa hơn, trở thành ẩn họa đe dọa sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản của nhiều người.

Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán các bệnh STI. Ảnh: netdoctor.co.uk

Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán các bệnh STI. Ảnh: netdoctor.co.uk

Bốn bệnh truyền nhiễm là lậu, giang mai, chlamydia và trichomonas (gọi tắt là “trich”), theo đó, trung bình cứ 25 người thì có một người mắc phải một bệnh STI (đôi khi được gọi là STD). WHO nhấn mạnh hơn 376 triệu ca STI được phát hiện hàng năm là trường hợp chứ không phải số người mắc, vì mọi người có thể bị nhiễm bệnh hoặc tái nhiễm trong vòng một năm với một hoặc nhiều bệnh. Cụ thể, số liệu thu thập trên toàn thế giới đối với nam và nữ trong độ tuổi từ 15 đến 49 cho thấy, năm 2016 có khoảng 127 triệu ca nhiễm chlamydia mới, 156 triệu ca trich, 87 triệu ca mắc bệnh lậu và 6,3 triệu ca mắc bệnh giang mai.

STI chủ yếu lây truyền qua đường tình dục như quan hệ qua âm đạo, hậu môn và miệng mà không được bảo vệ. Một số ca có thể truyền từ mẹ sang con trong khi mang thai hoặc sinh nở - nhất là chlamydia, lậu và giang mai. Bệnh giang mai cũng có thể lây truyền qua tiếp xúc với máu bị nhiễm bệnh. Nếu không được điều trị, những bệnh này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng - như vô sinh ở nam và nữ, thai chết lưu, mang thai ngoài tử cung và tăng nguy cơ nhiễm HIV. Theo Tiến sĩ Melanie Taylor, tác giả chính của báo cáo và là nhà dịch tễ học thuộc bộ phận nghiên cứu sức khỏe sinh sản của WHO, những điều nêu trên cho thấy mọi người đang đối mặt với rủi ro về sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản.

Tiến sĩ Taylor cũng cho biết các số liệu mới cho thấy so với dữ liệu được WHO công bố gần nhất vào năm 2012, “không có sự suy giảm đáng kể” nào và điều đó “chứng minh gánh nặng toàn cầu của các bệnh lây truyền qua đường tình dục này cực kỳ lớn”. Mặc dù tất cả các bệnh STI đều có thể điều trị bằng kháng sinh, song việc thiếu hụt nguồn cung benzathine penicillin và tình trạng kháng kháng sinh đã khiến việc chữa bệnh giang mai và bệnh lậu trở nên khó khăn hơn.

Theo Tiến sĩ Taylor, do hầu hết bệnh STI không có triệu chứng nên bệnh nhân không biết mình mắc bệnh, không đi xét nghiệm và điều trị, vì vậy cơ hội truyền bệnh cho người khác là khá cao, bao gồm lây cho bạn tình hoặc lây từ mẹ sang con. “Chỉ riêng bệnh giang mai đã gây ra hơn 200.000 ca tử vong sơ sinh và thai chết lưu mỗi năm” – bà nêu ví dụ. Do đó, bà gọi đây là “dịch bệnh ẩn, dịch bệnh thầm lặng, dịch bệnh nguy hiểm, hiện diện trên toàn cầu”.

Tiến sĩ Teodora Wi, đồng tác giả nghiên cứu của WHO, cho biết: “Bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục có ở mọi nơi, chúng phổ biến hơn chúng ta nghĩ, nhưng không được quan tâm đúng mức”. Bà đề nghị các ngành nên cùng nhau chống lại STI, chẳng hạn như khuyến khích phụ huynh và giáo viên tăng cường việc giáo dục giới tính, các ngành chức năng có chính sách hỗ trợ dịch vụ điều trị STI, còn các nhà nghiên cứu thì tìm cách phát triển các biện pháp tốt hơn để ngăn ngừa, chẩn đoán, điều trị và sàng lọc STI.

Người có HIV dễ mắc bệnh tim

Các nhà khoa học Mỹ mới đây cho biết những người sống chung với HIV có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn những người không nhiễm “virus gây suy giảm miễn dịch ở người” này.

Trong những thập niên gần đây, liệu pháp kháng virus đã giúp biến đổi HIV từ một bệnh chết người thành căn bệnh mãn tính có thể kiểm soát. Nhưng mặc dù bệnh nhân HIV sống lâu hơn, họ vẫn có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ, suy tim, đột tử vì bệnh tim và các bệnh khác cao hơn so với người không nhiễm HIV – theo báo cáo của Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA). Tiến sĩ Matthew Feinstein thuộc Trường Y Feinberg Đại học Northwestern cho biết ngay cả khi virus được kiểm soát mà không thể phát hiện bằng các xét nghiệm máu thông thường, vẫn còn một ổ chứa HIV trong một số mô của cơ thể dẫn đến việc kích hoạt và gây viêm hệ thống miễn dịch mãn tính. Theo thời gian, tình trạng này có thể làm tích tụ mảng bám trong các động mạch của tim và mạch máu, hình thành nhiều cục máu đông và ảnh hưởng đến khả năng co bóp của cơ tim, hậu quả là gây đau tim, đột quỵ và suy tim.

Để giúp bệnh nhân HIV khỏe mạnh, Tiến sĩ Feinstein nhấn mạnh tầm quan trọng của lối sống lành mạnh bao gồm cai thuốc lá, hoạt động thể chất đầy đủ, từ bỏ hoặc giảm tiêu thụ thức uống có cồn và có chế độ ăn uống lành mạnh. Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên dùng thêm thuốc giúp duy trì huyết áp và mức cholesterol khỏe mạnh.

HOÀNG ĐIỂU (Theo CNN, Reuters)

Chia sẻ bài viết